Trợ giúp pháp lý cho người dưới 18 tuổi tại phiên tòa hình sự tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Báo PLVN
Ngày 20/2/2025 đánh dấu 35 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước Quốc tế về quyền trẻ em – văn kiện quan trọng bảo vệ quyền lợi trẻ em toàn cầu. Trong hành trình ấy, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, đặc biệt trong việc đảm bảo quyền trợ giúp pháp lý cho trẻ em trong hệ thống tư pháp.
Ngày 20/11/1989, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Công ước Quốc tế về quyền trẻ em. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này vào ngày 20/2/1990. Trong 35 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được trợ giúp pháp lý (TGPL) cho trẻ em bị tình nghi hoặc buộc tội.
TGPL cho trẻ em và người chưa thành niên đã giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của trẻ, nhất là trong tố tụng tư pháp với nhiều trường hợp trẻ được giảm án, chuyển sang hình phạt nhẹ hơn hoặc được bảo vệ quyền lợi khi là bị hại, tăng mức bồi thường thiệt hại. Đến nay, đã có 146.000 vụ việc TGPL cho trẻ em với nhiều vụ thành công trong tham gia tố tụng. Hệ thống TGPL cho trẻ em đã được triển khai 24/24 giờ trong điều tra hình sự và tại Tòa án, đảm bảo dịch vụ kịp thời và phù hợp, thông qua các chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao và Bộ Công an.
Một trong những vụ TGPL cho người dưới 18 tuổi thành công tiêu biểu đã được thực hiện ngay từ giai đoạn đầu của vụ án thông qua cơ chế trực TGPL 24/24 giờ trong điều tra hình sự. Cụ thể, vào khoảng 3h50’ ngày 23/02/2024, N (người dưới 18 tuổi) đã đốt pháo nổ trước cửa nhà số 38A, phố HC, phường HM, quận HK, thành phố Hà Nội gây nổ lớn, khói bao trùm làm hư hỏng biển hiệu, cháy xém cây và gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Hành vi của N bị Viện Kiểm sát Nhân dân quận HK truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng”, đề nghị xử phạt từ 18-20 tháng tù. Lúc này, N đối mặt với nguy cơ mất tự do, bỏ lỡ cơ hội học tập, lao động và sống cùng gia đình.
Ngay sau khi nhận thông tin từ cơ quan điều tra, Trung tâm TGPL thành phố Hà Nội đã nhanh chóng tiếp nhận vụ việc, liên hệ với gia đình N và hướng dẫn yêu cầu TGPL để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của em. Trợ giúp viên pháp lý Bùi Thị Hải Lưu, Trung tâm TGPL thành phố Hà Nội, đã nghiên cứu các quy định pháp lý, đặc biệt là đối với người chưa thành niên phạm tội và lập luận thuyết phục Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ. Bà đề nghị mức án thấp hơn mức đề nghị của Viện Kiểm sát và xin cho N hưởng án treo không bị cách ly khỏi xã hội, tạo điều kiện để N tiếp tục sống cùng gia đình.
Kết quả, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt N 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Nhờ sự can thiệp kịp thời của TGPL, N có cơ hội tiếp tục học tập, lao động, sinh sống cùng gia đình, sửa chữa sai lầm và tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Tại Việt Nam, quyền TGPL cho trẻ em đã được mở rộng hơn so với cam kết tại Công ước Quốc tế về quyền trẻ em. Theo Luật Trợ giúp pháp lý 2017, trẻ em dưới 18 tuổi bị buộc tội và người từ 16 đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự, nếu thuộc diện có khó khăn về tài chính đều được trợ giúp pháp lý miễn phí. Đặc biệt, trẻ em dưới 16 tuổi không chỉ được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí trong các vụ án hình sự mà còn trong các vụ việc dân sự, hành chính, hôn nhân và gia đình.
Đặc biệt, từ ngày 1/1/2026, khi Luật Tư pháp người chưa thành niên có hiệu lực, mọi đối tượng dưới 18 tuổi tham gia tố tụng hình sự sẽ được TGPL miễn phí. Điều này mở rộng quyền lợi không chỉ cho trẻ em dưới 16 tuổi mà còn cho người từ 16 đến dưới 18 tuổi trong các tình huống bị tố giác, bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị hại, làm chứng hoặc bị xử lý chuyển hướng.
Luật Tư pháp người chưa thành niên cùng với việc sửa đổi Luật TGPL, đã phát triển quyền TGPL miễn phí đối với người dưới 18 tuổi phù hợp với Công ước Quốc tế về quyền trẻ em và nhiệm vụ tại Nghị Quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Việc mở rộng diện TGPL miễn phí cho trẻ em và triển khai trực TGPL khẳng định tính ưu việt của chế độ nhà nước ta. Đồng thời tạo cơ sở để Việt Nam đề xuất mở rộng, phát triển nội dung TGPL trong Công ước Quốc tế, thực hiện nhiệm vụ “tham gia xây dựng thể chế và pháp luật Quốc tế” theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.