Các chế độ ăn giàu protein có thể gây hại cho sức khỏe. Ảnh: VnExpress
Giáo sư Tim Spector cảnh báo xu hướng ăn kiêng nhiều protein, ít calo đang làm lu mờ vai trò quan trọng của chất xơ và thực vật trong việc duy trì hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh.
Những năm gần đây, các xu hướng ăn kiêng như keto, paleo (chế độ ăn mô phỏng thói quen của người tiền sử, ưu tiên thực phẩm tự nhiên từ thời săn bắt, hái lượm) hay low-fat (ít chất béo) ngày càng trở nên phổ biến. Đáng chú ý, tại Mỹ, chế độ ăn giàu protein nhưng ít calo (high-protein, low-calorie) đang thu hút sự quan tâm rộng rãi. Tuy nhiên, Giáo sư Tim Spector – chuyên gia dịch tễ học di truyền tại King’s College London, đồng sáng lập công ty nghiên cứu dinh dưỡng ZOE, đồng thời là một trong những chuyên gia hàng đầu về sức khỏe đường ruột đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về xu hướng này.
Giáo sư Spector cho rằng chế độ ăn giàu đạm nhưng ít calo tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng. Những người theo đuổi xu hướng này thường ưu tiên thực phẩm chế biến sẵn, được dán nhãn “giàu protein, ít calo” thay vì bổ sung các loại thực vật giàu chất xơ – thành phần thiết yếu cho sức khỏe hệ tiêu hóa. Theo ông, đây chính là một trong những sai lầm lớn nhất của tư duy dinh dưỡng hiện đại: quá chú trọng vào lượng calo mà bỏ qua chất lượng thực phẩm.
“Hầu hết mọi người đều tin rằng chế độ ăn lý tưởng là ít béo, ít calo và nhiều protein, còn các yếu tố khác không quan trọng. Đây không chỉ là quan niệm sai lầm mà còn có thể gây hại cho sức khỏe lâu dài”, ông Spector nhận định.
Ông cũng cho rằng vai trò của protein đang bị thổi phồng, phần lớn do tác động từ các chiến dịch tiếp thị rầm rộ trên mạng xã hội. Các công ty thực phẩm chế biến sẵn tận dụng xu hướng này để bổ sung protein vào sản phẩm – một chiến lược vừa tiết kiệm chi phí vừa thu hút người tiêu dùng, đặc biệt trong ngành công nghiệp ăn kiêng trị giá hàng tỷ đô. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng protein chỉ là một phần của bức tranh dinh dưỡng toàn diện. Một chế độ ăn lành mạnh cần có sự cân bằng giữa protein, carbohydrate, chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng việc bổ sung đầy đủ chất xơ không chỉ cải thiện hệ tiêu hóa mà còn giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong do bệnh tim, ung thư, nhiễm trùng và các bệnh về hô hấp. Một nghiên cứu cho thấy, mỗi khi tăng thêm 10g chất xơ mỗi ngày, nguy cơ mắc bệnh mạch vành có thể giảm 14%, trong khi nguy cơ tử vong do bệnh tim giảm đến 27%.
Vì chất xơ đóng vai trò thiết yếu đối với sức khỏe đường ruột, ông Spector khuyến khích mọi người nên tiêu thụ ít nhất 30 loại thực vật khác nhau mỗi tuần. Danh sách này bao gồm rau củ, hạt, gia vị, ngũ cốc nguyên hạt (như quinoa, kiều mạch) và thực phẩm lên men. Ông nhấn mạnh, việc ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc thực vật và giàu chất xơ không chỉ giúp hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn mà còn cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột – yếu tố có liên quan mật thiết đến việc điều hòa đường huyết, hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch.
Tiến sĩ Megan Rossi, chuyên gia dinh dưỡng và tác giả cuốn How To Eat More Plants và Love Your Gut cũng đồng tình rằng hệ vi sinh vật đường ruột cần được nuôi dưỡng bằng lượng chất xơ phong phú và đa dạng. Chất xơ không chỉ hỗ trợ tiêu hóa mà còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như béo phì, tim mạch và ung thư. Theo hướng dẫn dinh dưỡng của Mỹ, phụ nữ nên tiêu thụ từ 22 đến 28g chất xơ mỗi ngày, trong khi nam giới cần từ 28 đến 34g để duy trì sức khỏe tối ưu.
Giáo sư Spector kết luận: “Một chế độ ăn giàu thực vật và chất xơ không đồng nghĩa với việc phải loại bỏ hoàn toàn thịt. Bạn vẫn có thể ăn thịt, miễn sao đảm bảo ít nhất 50% đĩa thức ăn của mình là thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Vấn đề không nằm ở việc ăn thịt, mà là ở tỉ lệ và cách cân bằng bữa ăn”.