Bà Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm tại tòa phúc thẩm giai đoạn 2. Ảnh: T.T
Bà Trương Mỹ Lan phản đối các cáo buộc về 3 tội danh trong giai đoạn hai của vụ án, đồng thời đề nghị tòa phúc thẩm tạo điều kiện tốt nhất để khắc phục hậu quả.
Trong phiên tòa chiều 26/3, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm giai đoạn hai, khẳng định ba tội danh bị quy kết là không chính xác. Cụ thể, bà bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 30.081 tỷ đồng từ 35.824 trái chủ, rửa tiền với số tiền lên tới 445.747 tỷ đồng và vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD (tương đương 106.730 tỷ đồng) qua biên giới. Song, bị cáo đã bác bỏ toàn bộ cáo buộc này.
Trước khi trình bày nội dung kháng cáo, bà Trương Mỹ Lan nhấn mạnh chặng đường 50 năm hoạt động kinh doanh, những đóng góp của mình cho nền kinh tế và đất nước cũng như lý do chấp nhận tái cơ cấu Ngân hàng SCB. Bà cho biết đã phải đối mặt với nhiều khó khăn suốt hơn một thập kỷ tham gia điều hành ngân hàng này, đặc biệt trong việc tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ SCB.
Sau khoảng 30 phút chia sẻ, bà Lan gọi việc đứng trước tòa là “định mệnh” và bày tỏ mong muốn Hội đồng xét xử tạo điều kiện tốt nhất để bà khắc phục hậu quả vụ án. Bà thừa nhận có sai sót trong quá trình điều hành, nhưng khẳng định không chiếm đoạt tài sản của ai và cam kết bồi thường thiệt hại cho các trái chủ.
Một trong những điểm mà bà Lan đề nghị tòa xem xét là số tiền 30.000 tỷ đồng mà bà phải bồi thường cho các trái chủ. Theo bà, trong số này có hơn 1.612 tỷ đồng do Ngân hàng SHB phát hành và có tài sản đảm bảo, nên số tiền bà thực sự phải chịu trách nhiệm chỉ còn lại 28.400 tỷ đồng.
Về tội danh Rửa tiền, bà Lan cho rằng các cơ quan tố tụng chỉ xác định bà thực hiện hành vi tham ô 304.000 tỷ đồng trong giai đoạn một của vụ án. Sau khi trừ đi các khoản thiệt hại đã được khắc phục, tài sản của bà đủ để bồi thường. Do đó, bà yêu cầu tòa xem xét lại việc tiếp tục xét xử bà với tội danh này.
Tại phiên tòa, Chủ tọa đã công bố chi tiết các khoản tiền mà bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc “rửa”, bao gồm 108.000 tỷ đồng tiền mặt, hơn 14 triệu USD cùng các khoản thanh toán nợ của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Bà Lan thừa nhận sự tồn tại của các khoản tiền này nhưng giải thích rằng, một phần được rút ra để trả lãi vay cho SCB và các ngân hàng khác trong bối cảnh SCB gặp khó khăn tài chính. Tuy nhiên, bà khẳng định không sử dụng số tiền này cho mục đích cá nhân.
Bà cũng giải thích về các khoản tiền 108.000 tỷ đồng bị cáo buộc chuyển từ ngân hàng về nhà riêng. Theo bà, những người khai báo về việc này không nói số tiền được chuyển cho bà sử dụng mà chỉ là tiền tái cơ cấu SCB. Bà cũng chia sẻ về việc phải vay mượn tiền từ bạn bè và người thân để hỗ trợ SCB do ngân hàng này gặp khủng hoảng tài chính trong giai đoạn khó khăn, đặc biệt là sau khi Giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn nghỉ việc và dịch Covid-19 diễn ra.
Về tội danh Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới bà Lan khẳng định, việc thành lập các công ty “ma” do Nguyễn Phương Anh đứng ra thực hiện không phải để rút tiền mà là để đảo nợ cho SCB, một việc mà bà không biết đến cho đến khi vụ án xảy ra.
Bà Lan cho rằng việc bị buộc tội Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới đã làm quá trình khắc phục hậu quả càng thêm khó khăn, vì các đối tác quốc tế của bà không dám chuyển tiền cho bà mượn do các cáo buộc này.
Cuối cùng, bà Lan bày tỏ lòng cảm ơn Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ SCB duy trì sự ổn định tài chính trong suốt quá trình điều tra vụ án. Đồng thời, bà xin phép được gửi một văn bản chính thức đến Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này, kế hoạch thực hiện trong phần thẩm vấn của luật sư vào ngày mai.
Trước khi phiên tòa kết thúc, đại diện VKS đã hỏi lại bị cáo Trương Huệ Vân về yêu cầu xin lại các tài sản bị thu giữ khi bị bắt bao gồm 11 chiếc đồng hồ và 13 chiếc điện thoại mà theo Vân là tài sản cá nhân không liên quan đến vụ án.
Phiên tòa sẽ tiếp tục vào ngày mai với phần thẩm vấn của các luật sư đối với bà Trương Mỹ Lan và nhóm bị cáo khác.