Cồng chiêng không chỉ có giá trị rất lớn về vật chất, mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần với người Mường. Ảnh: Ng.Chi
Cồng chiêng là một di sản văn hóa đặc sắc và đầy sức hấp dẫn của dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình. Suốt bao thế hệ, âm thanh của cồng chiêng luôn gắn bó chặt chẽ với các phong tục, tập quán và lễ nghi trong đời sống tâm linh của người Mường. Văn hóa cồng chiêng, được sáng tạo và lưu truyền qua hàng nghìn năm, đã góp phần quan trọng trong việc tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Mường.
Cồng chiêng trong đời sống văn hóa của người Mường
Đồng chí Bùi Tú Cao, Trưởng phòng nghiệp vụ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Đối với người Mường Hòa Bình, cồng chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Cồng chiêng nối dài cùng lịch sử phát triển cũng như hồn cốt, khí chất của dân tộc Mường.
Giai điệu cồng chiêng dường như luôn thường trực trong đời sống thường nhật. Cồng chiêng gắn bó với người Mường không chỉ để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức âm nhạc mà có vai trò lớn trong lao động, sản xuất. Trong khi trống đồng là loại vật linh được coi là quyền sở hữu của tầng lớp lang, đạo lớn xưa thì cồng chiêng chiếm lĩnh, lan tỏa trong không gian rộng lớn, in sâu, hòa đậm trong mỗi bản làng, gia đình một cách dung dị”.
Cồng chiêng, cùng với không gian văn hóa đặc trưng của nó, đã hình thành từ rất sớm và phát triển cùng với lịch sử dân tộc. Âm nhạc cồng chiêng hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống người Mường, từ lao động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày đến các quyền lực truyền thống của làng, đạo xưa và trong các nghi lễ tín ngưỡng. Cồng chiêng đồng hành cùng người Mường suốt cả cuộc đời, từ khi sinh ra cho đến khi về với Mường ma.
Ngoài vai trò trong các nghi lễ, chiêng còn được sử dụng như một công cụ thông tin, báo hiệu, phát lệnh trong các tình huống khẩn cấp như cướp bóc, giặc giã, giúp tập hợp nhân dân để bảo vệ sự bình yên của cộng đồng. Âm thanh cồng chiêng, từ trầm hùng đến dập dìu, vang vọng khắp các bản làng, mỗi vùng Mường lại có những phương thức đánh chiêng riêng, mang đậm dấu ấn của văn hóa và đặc trưng dân tộc địa phương.
Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Văn hóa là bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Những lời này không chỉ là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của văn hóa đối với sự tồn vong của một dân tộc mà còn là lời kêu gọi chúng ta phải nỗ lực bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng.
Tại Hòa Bình, nơi sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc Mường, việc bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng là nhiệm vụ cấp bách. Các hoạt động như tổ chức lễ hội, truyền dạy kỹ thuật chế tác và sử dụng cồng chiêng cho thế hệ trẻ, hay phát triển các chương trình giao lưu văn hóa, đang được chính quyền và người dân nơi đây đặc biệt chú trọng. Những nỗ lực này không chỉ giúp bảo tồn di sản cồng chiêng mà còn tạo cơ hội để cộng đồng Mường Hòa Bình giới thiệu và quảng bá văn hóa đặc sắc của mình đến với du khách trong và ngoài nước.
Bà Bùi Hồng Luyến, Chủ nhiệm câu lạc bộ cồng chiêng Camping Đồng Chờ cho biết: “Từ xa xưa, các cụ nói dàn cồng chiêng còn được gọi là sắc bùa, trong những lệ hội như khai xuân, khai hạ, mừng nhà mới,… sẽ có các đội cồng chiêng biểu diễn thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc Mường, đồng thời phát huy, gìn giữ bản sắc truyền thống của dân tộc Mường”.
Câu lạc bộ cồng chiêng Camping Đồng Chờ là một không gian văn hóa đặc biệt, nơi gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc Mường, đặc biệt là nghệ thuật cồng chiêng. Tại đây, các thành viên không chỉ được tham gia vào các hoạt động biểu diễn cồng chiêng, mà còn tìm hiểu sâu về lịch sử, ý nghĩa và cách thức sử dụng cồng chiêng trong đời sống cộng đồng người Mường. Câu lạc bộ trở thành cầu nối giữa thế hệ trẻ và những giá trị văn hóa lâu đời, giúp bảo tồn một phần không thể thiếu trong di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng Mường Hòa Bình không chỉ là công việc của riêng mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đó là cách để chúng ta giữ gìn một phần hồn cốt của dân tộc, đồng thời góp phần làm phong phú thêm sự đa dạng văn hóa của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng.
Thanh Chung