3 người được xem là những nhà sáng lập Pi Network là Nicolas Kokkalis (phải), Chengdiao Fan (giữa) và Vincent McPhillip (trái). Ảnh: Internet
Sau khi Pi Network được niêm yết trên các sàn giao dịch, giá trị của đồng Pi đã giảm mạnh dẫn đến nhiều tranh luận trong cộng đồng người dùng. Nicolas Kokkalis, người sáng lập dự án này cũng không xuất hiện công khai trong suốt 4 năm qua.
Pi Network vừa chính thức được niêm yết trên các sàn giao dịch. Sau 6 năm kể từ khi ra mắt, Pi Network giờ đây đã có thể giao dịch công khai, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ cộng đồng nhà đầu tư.
Mặc dù được kỳ vọng sẽ tăng giá mạnh sau khi lên sàn giao dịch, đồng Pi lại chứng kiến một đợt bán tháo ồ ạt. Hiện tại, giá trị của Pi đang dao động quanh mức 0,6 USDT (tương đương với 0,6 đô la Mỹ).
Năm 2019, Pi Network ra mắt người dùng. Nhưng phải đến đầu năm 2021, đồng Pi mới thực sự được biết đến rộng rãi nhờ vào lời quảng cáo hấp dẫn về việc có thể “đào” tiền điện tử ngay trên điện thoại di động thông qua một ứng dụng cùng tên. Tuy nhiên, dự án này vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng tiền điện tử. Nhiều người không chỉ nghi ngờ giá trị đồng Pi mà còn cáo buộc đây là mô hình lừa đảo đa cấp nhằm thu thập dữ liệu người dùng. Sau khi Pi Network niêm yết trên sàn giao dịch, giá trị đồng Pi giảm mạnh, gây tranh luận trong cộng đồng.
Việc Nicolas Kokkalis không xuất hiện trên truyền thông suốt 4 năm qua khiến nhiều người nghi ngờ về tính minh bạch của Pi Network. Dù tài khoản X của dự án vẫn hoạt động, các đồng sáng lập đã ngừng tham gia từ lâu. Có tin đồn rằng Kokkalis vắng mặt tại công ty và có thể đã từ chức.
Nicolas Kokkalis là đồng sáng lập Pi Network cùng Chengdiao Fan và Vincent McPhillip. Ông phụ trách công nghệ, Fan lo sản phẩm, còn McPhillip quản lý cộng đồng. Tuy nhiên, McPhillip đã rời khỏi dự án vào tháng 2/2021.
Kokkalis được giới thiệu là tiến sĩ tại Đại học Stanford và là giảng viên của lớp học đầu tiên về ứng dụng phi tập trung của blockchain tại Stanford, mang tên CS359B vào năm 2018. Công trình nghiên cứu của ông tập trung vào việc kết hợp các hệ thống phân tán và tương tác giữa các máy tính, một trong những yếu tố quan trọng khi giao dịch tiền điện tử.
Theo các chuyên gia, việc Nakamoto không lộ diện thực sự là lợi thế đối với Bitcoin, vì điều này giúp bảo vệ sự an toàn và tính phi tập trung của đồng tiền này. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng sự vắng mặt của các sáng lập viên Pi Network cũng có mục đích tương tự.
Điều đáng chú ý là hồ sơ LinkedIn của Nicolas Kokkalis dường như không đề cập đến dự án Pi Network. Ông được giới thiệu là người gốc Hy Lạp, từng sống ở Canada và sau đó là Mỹ.
Ngoài việc học tập và giảng dạy tại Đại học Stanford, Kokkalis còn là người đồng sáng lập một số công ty, bao gồm Gameyola và StartX vào năm 2010. StartX, được thành lập từ năm 2011, đã hỗ trợ thành công 1.300 công ty khởi nghiệp, trong đó có hơn 700 công ty đạt mức định giá kỳ lân, như Branch, Lime, Life360, Patreon, Poynt, và Kodiak Sciences.