Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải “đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp” nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới, thời kỳ dân tộc vươn lên.
Tại Kỳ họp, các cơ quan liên quan đã triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, thể hiện rõ trong từng khâu: trình dự án, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội. Nhờ vậy, hiệu quả đạt được là rất khả quan.
Chủ trương đổi mới công tác xây dựng pháp luật và quyết định những vấn đề trọng yếu của đất nước thời gian qua đã mang lại nhiều bài học quý giá. Đầu tiên là sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Trung ương Đảng, đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các ngành lập pháp, hành pháp và các cơ quan liên quan. Thứ hai đó là khả năng lắng nghe thực tiễn, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân. Thứ ba là, kết quả của những đổi mới của cơ quan lập pháp ngay từ khâu chuẩn bị các kỳ họp, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, tôn trọng các ý kiến phản biện, chất vấn.
Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh rằng, trong ba “điểm nghẽn” lớn là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”; vì vậy việc nhận diện chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật là vô cùng quan trọng, vì một số luật mới ban hành vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn và cần phải sửa đổi.
Thực tế cho thấy một số quy định vẫn chưa hoàn toàn đồng bộ, có sự chồng chéo; một số điều khoản còn gây khó khăn, cản trở việc thực thi, dẫn đến thất thoát và lãng phí nguồn lực; đồng thời, chưa tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, cũng như chưa khơi thông được tiềm năng từ các nguồn lực trong dân. Tháo gỡ những khó khăn này là một trọng trách lớn đối với Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tư pháp.
Thời gian qua, các đạo luật và nghị quyết đã được thông qua với việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đã chuyển từ tư duy quản lý hành chính đơn thuần sang việc kết hợp hài hòa giữa quản lý hiệu quả và tạo điều kiện phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Mặc dù yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất và khả thi đã được đặt ra từ lâu. Nhưng hiện nay yêu cầu mới đặt ra là phải ngắn gọn, bảo đảm tính ổn định, có giá trị lâu dài và hiệu quả; đồng thời cần phải gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng luật với thi hành luật pháp; tránh để những quy định gây cản trở phát triển, lãng phí nguồn lực và bỏ lỡ cơ hội phát triển đất nước trong thời kỳ kỷ nguyên mới.