Diễn đàn được tổ chức chiều 17/4/2025. Ảnh: Báo PLVN
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo khảo sát của VCCI trên quy mô toàn quốc cho thấy, chỉ 32% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo.
Mặc dù đã có gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm đến 98%) và chỉ có khoảng 2% các doanh nghiệp lớn.
Điều này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào. Do đó, để có thể bứt phá trong năm 2025, việc cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là những chìa khóa then chốt.
Trong đó, theo các chuyên gia, thủ tục hành chính chỉ là một khó khăn bởi đi cùng với thủ tục hành chính còn có phí, lệ phí, không chỉ là phí nộp hồ sơ, các loại thuế phí khác cũng là vấn đề lớn. Bên cạnh đó còn chi phí đầu tư để tuân thủ pháp luật và điều mà doanh nghiệp sợ nhất là chi phí cơ hội.
Có ý kiến cho rằng, mặc dù có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhưng thực thi gặp nhiều khó khăn vì thủ tục. Do đó, các chương trình này cần chứng minh được việc tuân thủ thủ tục hành chính và các chi phí phải dưới 1% doanh thu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi nếu mức phí trên 1% rất khó để các doanh nghiệp phát triển.
“Cải cách thể chế không chỉ là cắt giảm thủ tục hành chính mà còn là cắt giảm chi phí tuân thủ” – ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế – Tài chính của Quốc hội khẳng định.
Theo ông Hiếu, cải cách thể chế không chỉ hướng đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà cần tạo đột phá mạnh mẽ. Nhắc lại những kết quả tích cực từ việc thực thi Luật Doanh nghiệp năm 2020, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh việc cần thiết có những cải cách mang tính chất đột phá cả từ tư duy và biện pháp thực thi.
Theo đó, sau khi thực thi Luật Doanh nghiệp 2020 với nhiều thay đổi tư duy khi doanh nghiệp được phép làm những gì mà pháp luật không cấm cùng với việc bãi bỏ 161 giấy phép, thời gian thành lập doanh nghiệp từ 15-30 ngày đã thổi bùng khí thế kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ trong 5 năm, từ năm 2020 – 2025 số lượng doanh nghiệp thành lập gấp 10 lần so với trước đó, tạo nền tảng để có lực lượng doanh nghiệp đông đảo như hiện nay.
Do đó, ông Hiếu cho rằng, cần có cơ chế bền vững cho cải cách thể chế. Trên thế giới, có 4 hình thái cải cách thể chế thì Việt Nam đã trải qua 3 hình thái, bao gồm ban hành thể chế tốt; cải cách đơn lẻ; triển khai ở một số ngành, lĩnh vực theo sáng kiến của một hoặc một số cơ quan. Tuy nhiên, cải cách rất khó khăn nếu chỉ xuất phát (đơn lẻ) từ chính các cơ quan thực thi pháp luật.
Vì lý do đó, cần có cơ chế bền vững hướng đến thực hiện hình thái thứ 4 của cải cách thể chế. Đó là “đưa cải cách thể chế trở thành văn hóa lập pháp, hệ thống, không còn phụ thuộc vào cá nhân, tổ chức nào” – ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cũng cho rằng, muốn cải cách thể chế có 3 việc cần làm ngay, đầu tiên phải nâng cao chất lượng quy định hiện hành; thứ hai là những quy định gây khó khăn cho việc thực thi phải được bãi bỏ và việc thứ 3 cũng là yếu tố thách thức nhất chính là kiểm soát chất lượng quy định mới ban hành.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách và Chiến lược Trung ương) nhận định, chính sách phát triển doanh nghiệp chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh để tham gia các liên kết doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong nước, khu vực và quốc tế. Hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thấp.
Do đó, trong giai đoạn 2-3 năm tới, cần cắt giảm tất cả các quy định, rào cản không cần thiết cho doanh nghiệp, đồng thời đơn giản hóa các quy định, nhằm cắt giảm tối thiểu 50% chi phí tuân thủ quy định về kinh doanh.