Đề nghị Nhật Bản tái xem xét các cam kết về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam
Tái rà soát lại Hiệp định liên Chính phủ về tài trợ vốn cho dự án điện hạt nhân
Tại các cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thông tin về việc Việt Nam đã chính thức tái khởi động dự án điện hạt nhân. Theo Bộ trưởng Diên, trước đây chủ trương thực hiện dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận được Quốc hội Việt Nam thông qua vào năm 2009. Trong đó, Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, đã đàm phán với phía Nhật Bản để ký thỏa thuận hỗ trợ vốn và công nghệ xây dựng.
Do đó, để quá trình tái khởi động dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Ninh Thuận 2 được thuận lợi, Bộ trưởng Diên đã đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan phía Nhật Bản xem xét rà soát các cam kết theo thỏa thuận đã ký kết năm 2011, tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và tài chính cho Việt Nam để triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Đồng thời, tiếp tục đào tạo lại lượng nhân lực cũ đã được đào tạo tại Nhật Bản trước đây (nếu họ còn đủ điều kiện và có nguyện vọng). Hai bên cùng lập kế hoạch đào tạo lượng nhân lực mới vì Việt Nam rất cần lực lượng nhân lực chất lượng cao nắm rõ chuyên môn về điện hạt nhân. “Đây là một trong những yếu tố hết sức quan trọng đóng góp vào việc Việt Nam có thể thực hiện xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân thành công” – Bộ trưởng Diên nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng Diên đề nghị phía Nhật Bản phối hợp, tư vấn, hỗ trợ vấn để lựa chọn công nghệ bởi Việt Nam quan tâm nhất là câu chuyện lựa chọn công nghệ, với điều kiện tiên quyết là đảm bảo an toàn và không để xảy ra các sự cố. Các công nghệ trước khi được lựa chọn cần đảm bảo tiêu chuẩn chung về an toàn, đáp ứng được những khuyến nghị của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là các khuyến cáo của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế. Do vậy đề nghị các công ty Nhật Bản giới thiệu các công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn để Việt Nam xem xét, đánh giá, lựa chọn ứng dụng cho cả quá trình xây dựng cũng như vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Diên đề nghị tái rà soát lại Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam – Nhật Bản về tài trợ vốn cho dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Đồng thời kỳ vọng, Nhật Bản sẽ hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trên cơ sở hai Bên cùng có lợi, vì mục tiêu phát triển của mỗi nước, vì những mục tiêu chung như “phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” và xứng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Hỗ trợ chuyển giao công nghệ xây dựng đường sắt cao tốc
Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đã đẩy mạnh đầu tư tại thị trường Việt Nam. Lũy kế hết tháng 11/2024, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ 3 của Việt Nam với gần 5.500 dự án, có tổng vốn đăng ký đạt 77,7 tỷ USD chiếm 15,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Hoạt động đầu tư của các DN Nhật Bản tại Việt Nam đã góp phần giúp DN Việt Nam nâng cao sản xuất, giúp các DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng, phân phối của DN Nhật Bản.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Việt Nam có mong muốn tham gia sâu hơn và trở thành một trong các mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng”.
Và để hiện thực hóa được mục tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị hai nước Việt Nam – Nhật Bản thúc đẩy các giải pháp hợp tác trong phát triển công nghiệp, thương mại và năng lượng.
Theo đó, Bộ trưởng Diên đề nghị phía Nhật Bản xem xét phối hợp xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật các ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong các ngành mà Việt Nam và Nhật Bản có nhu cầu hợp tác như hóa chất, khoáng sản, cơ khí, linh kiện điện tử, dệt may… để lựa chọn các DN Việt Nam đủ tiềm năng, năng lực tham gia chuỗi cung ứng. Đồng thời đề nghị hai Bên tăng cường hợp tác hướng tới phát triển các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao (ô tô, điện tử, công nghiệp xanh…).
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Diên, trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung phát triển dự án đường sắt tốc độ cao, điều cốt lõi là các đơn vị trong nước phải được chuyển giao công nghệ vận hành, sản xuất. Do đó, Bộ trưởng Diên đề nghị Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ chuyển giao công nghệ liên quan đến xây dựng đường sắt cao tốc để các DN Việt Nam dần dần làm chủ công nghệ, nâng cao năng lực và tự chủ trong quá trình thực hiện dự án.
Ngoài ra, đề nghị hai Bên tiếp tục phối hợp, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và đa phương, tận dụng các FTA mà hai bên là thành viên, nhằm sớm đạt mục tiêu tiếp tục nâng cao kim ngạch thương mại song phương theo hướng cân bằng; tạo thuận lợi và thúc đẩy xuất nhập khẩu các mặt hàng có thế mạnh của mỗi nước sang thị trường nước bên kia; Hỗ trợ đưa các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng Nhật Bản trực tiếp qua các hệ thống bán lẻ/thương mại điện tử.
Đồng thời đề nghị Nhật Bản tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động liên kết mở rộng thị trường nhằm nâng cao hiệu quả kết nối hạ tầng logistic, trong đó ưu tiên phát triển logistic xanh, áp dụng công nghệ AI trong hoạt động logistic; Tăng cường trao đổi kinh nghiệm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về logistic và phối hợp trong đào tạo nguồn nhân lực logistic.
Theo Báo PLVN
Tin mới nhất
Văn hoá và Pháp luật - Cơ quan ngôn luận của Viện Nghiên Cứu Thông Tin – Chính Sách Văn Hóa Và Pháp Luật Việt Nam.
Tổng phụ trách: TS danh dự Bùi Hải Dính
Chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn Viện: PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ – nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, hiện là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
Cố vấn nội dung: Dương Văn Khá – Nguyên Chánh văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ
Chánh văn phòng: Nguyễn Lan Phương
Ban biên tập: Nguyễn Thị Ngọc Bích
Links nhanh
Liên hệ hợp tác
Địa chỉ: Số 164, Phố Hồng Mai, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0919458681
Email: tapchi@vanhoaphapluat.vn
Tìm đường
©2024 Bản quyền thuộc Viện Nghiên Cứu Thông Tin – Chính Sách Văn Hóa Và Pháp Luật Việt Nam.