Tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhân rộng mô hình “Không gian Đại đoàn kết”. Ảnh: N.D
Những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai rộng rãi mô hình “Không gian Đại đoàn kết”, một sáng kiến độc đáo trong công tác dân vận tại khu vực đô thị, góp phần quan trọng vào việc xây dựng chính quyền gần dân, sát dân và vì dân.
Được khởi xướng từ tháng 1/2020 tại phường 2, TP Cao Lãnh “Không gian Đại đoàn kết” là nơi để cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị – xã hội gặp gỡ, lắng nghe và trao đổi trực tiếp với người dân và doanh nghiệp (DN). Tại đây, các bên cùng nhau thảo luận về các vấn đề phát sinh ở cơ sở phản ánh tâm tư, nguyện vọng, đóng góp ý kiến cho các chủ trương, chính sách, đồng thời cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
Đến nay, mô hình “Không gian Đại đoàn kết” đã nhanh chóng lan tỏa và được nhân rộng tại hơn 60 địa phương trên toàn tỉnh bao gồm các thành phố Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự và các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Thanh Bình, Lấp Vò… Không gian được bố trí linh hoạt tại nhiều địa điểm khác nhau như trụ sở UBND, nhà văn hóa…
Tại TP Sa Đéc, không gian được bố trí trong một nhà cổ, một di tích văn hóa, tạo không khí trang trọng, truyền thống và mang đậm dấu ấn bản sắc địa phương. Nhiều nơi áp dụng hình thức “cà phê cuối tuần” – nơi lãnh đạo địa phương mời người dân, DN đến trò chuyện một cách thân mật, bình dị như trong đời sống thường ngày.
Sự gần gũi này đã xóa bỏ khoảng cách giữa “cơ quan công quyền” và “người dân đến xin gặp”. Thay vào đó là không khí cởi mở, chân thành, cùng trao đổi và cùng tháo gỡ vấn đề. Đây là điểm rất riêng, rất đặc biệt của mô hình, khác biệt so với các cuộc tiếp dân truyền thống.
Sau gần 5 năm triển khai, mô hình đã góp phần giảm thiểu rõ rệt các vụ khiếu kiện, tranh chấp tại cơ sở, nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, cải thiện mối quan hệ giữa người dân với chính quyền địa phương.
Hàng trăm cuộc sinh hoạt, gặp gỡ, đối thoại đã được tổ chức trên toàn tỉnh. Thông qua đó, nhiều vấn đề “nóng” được giải quyết ngay từ gốc, các chính sách mới được giải thích hướng dẫn kịp thời và người dân được thực sự tham gia vào quá trình ra quyết định thể hiện sinh động dân chủ ở cơ sở.
Không chỉ phát huy hiệu quả trong quản lý, mô hình còn giúp chính quyền thay đổi tư duy quản lý sang tư duy phục vụ góp phần xây dựng hình ảnh bộ máy hành chính gần dân, trọng dân và vì dân.
Mô hình “Không gian Đại đoàn kết” nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy Đồng Tháp, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tuyên giáo và Dân vận, MTTQ và các địa phương giúp mô hình phát huy hiệu quả. Người dân và DN cũng đồng thuận cao và tích cực tham gia.
Tại Hội nghị tổng kết mô hình “Không gian Đại đoàn kết” diễn ra mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Văn Thắng đã ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả hoạt động của mô hình trong thời gian qua.
Ông Thắng đề nghị mô hình cần được nhân rộng một cách có chọn lọc, phù hợp với từng địa phương, không cào bằng, không hình thức mà phải thực sự dựa trên nhu cầu thực tế và điều kiện cụ thể. Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mô hình có cơ chế hỗ trợ nguồn lực, hướng dẫn triển khai đồng bộ và linh hoạt.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để từng bước xây dựng mô hình phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế cấp kinh phí để kịp thời cải tạo, chỉnh trang tạo không gian thoải mái, ấm áp khi mọi người đến sinh hoạt và có hướng dẫn và ban hành các tiêu chí đánh giá chung để có sự thống nhất trong hoạt động.