Điện tử là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của TP Hà Nội. Ảnh: T.H
Trước những diễn biến mới liên quan đến chính sách “thuế đối ứng” của Hoa Kỳ, ngày 11/4, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn nhằm lắng nghe ý kiến và đề xuất các giải pháp ứng phó.
Trước đó, ngày 2/4, Tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu lên tới 46% đối với một số mặt hàng từ Việt Nam. Động thái này khiến nhiều doanh nghiệp và các sở, ngành của Hà Nội bày tỏ lo ngại sâu sắc, nhất là trong bối cảnh các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Thủ đô như điện tử, máy móc, thiết bị, dệt may, giày dép và đồ gỗ sẽ chịu tác động trực tiếp và nặng nề.
Ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các nhóm hàng nói trên hiện chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP Hà Nội sang thị trường Mỹ. Việc áp thuế cao không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp mà còn có thể kéo theo suy giảm tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến thu ngân sách, giảm sức hút đầu tư và tác động trực tiếp đến việc làm của người lao động.
Triển khai các giải pháp ứng phó
Sở cũng đề nghị tăng cường hợp tác với Thương vụ Việt Nam tại các nước để tổ chức các đoàn khảo sát, kết nối doanh nghiệp Hà Nội với đối tác quốc tế tiềm năng.
Kiến nghị hỗ trợ từ Trung ương
Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ, Sở Công Thương Hà Nội đã đề xuất một loạt giải pháp trọng tâm. Trong đó, Sở sẽ theo dõi sát diễn biến chính sách thương mại quốc tế, kịp thời cập nhật thông tin cho doanh nghiệp để chủ động ứng phó. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương nhằm nắm bắt nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp, tham mưu chính sách phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, Sở cũng định hướng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu ngoài Hoa Kỳ. Ngoài ra, việc đẩy mạnh tổ chức các hội chợ, triển lãm và hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước cũng được xác định là giải pháp quan trọng để giúp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường thay thế, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, Sở Công Thương kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng, đồng thời đề nghị các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp – đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa – tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Sở cũng kêu gọi các bộ, ngành liên quan tăng cường phối hợp, hỗ trợ xử lý nhanh những vướng mắc thực tế, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ để giúp doanh nghiệp tranh thủ cơ hội kinh doanh.
Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực nội tại
Theo TS. Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội để vượt qua khó khăn, cần có chiến lược đàm phán cụ thể nhằm giảm thuế với Hoa Kỳ, đồng thời kích cầu đầu tư trong nước, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng cường nội lực và mở rộng các trục tăng trưởng mới.
“Doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng sản phẩm, tạo lợi thế bằng những sản phẩm đặc thù và có sức cạnh tranh riêng. Khi làm được điều đó, doanh nghiệp vẫn có thể trụ vững trước các biến động từ thị trường quốc tế”, TS. Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.