Dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 390 là một trong những dự án đang chậm tiến độ của tỉnh Hải Dương. Ảnh: Báo PLVN
Chậm trễ trong giải phóng mặt bằng đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công tại Hải Dương. Trước áp lực hoàn thành kế hoạch năm 2025, địa phương đang tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.
Báo cáo từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương cho thấy một thực trạng đáng lo ngại. Tính đến ngày 15/3, 10 dự án đầu tư cấp tỉnh vẫn chưa thể hoàn tất việc bàn giao mặt bằng. Điều này khiến các dự án đứng trước nguy cơ chậm tiến độ so với kế hoạch, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh trong năm 2025.
Các dự án chậm bàn giao mặt bằng tại tỉnh Hải Dương bao gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 390 từ cầu Hợp Thanh đến cầu Quang Thanh; Đầu tư xây dựng cầu Cậy trên tuyến đường tránh đường tỉnh 394; Đầu tư xây dựng đường vào khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc (nửa tuyến bên trái từ ngã ba An Lĩnh đến ngã ba đầu Rồng); Cải tạo, nâng cấp công trình đê điều đê địa phương tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 – 2025; Đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và các đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương; Đầu tư xây dựng đường tỉnh 396 kéo dài (đoạn nối từ đường tỉnh 391 đến đường tỉnh 390); Xây dựng đường dẫn cầu Cậy mới và đường 33m kéo dài (qua địa phận huyện Cẩm Giàng), nối đường Vũ Công Đán, thành phố Hải Dương; Đầu tư xây dựng đường tỉnh 394B (đoạn nối từ đường tỉnh 395 đến đường trục Bắc – Nam, huyện Thanh Miện); Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 393, đoạn từ km 10 + 180 đến km 20 + 050 (từ cống Ba Đa đến cầu Từ Ô); Khu chung cư Tạ Quang Bửu, phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Tính đến ngày 14/3, toàn tỉnh đã giải ngân hơn 926 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 9,1% kế hoạch của tỉnh và 8,9% so với kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, huyện Tứ Kỳ có tỷ lệ giải ngân cao nhất với 21%, trong khi huyện Cẩm Giàng thấp nhất, chỉ đạt 0,3%.