Trịnh Văn Quyết trong phiên tòa sơ thẩm, tháng 7/2024. Ảnh: N.T
Chiều 25/3, sau khi hội ý với các bên liên quan, Hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm xét xử ông Trịnh Văn Quyết và 24 bị cáo khác. Phiên tòa dự kiến mở lại trong tháng 6/2025, thời gian cụ thể sẽ được thông báo sau.
Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bị cáo, người bị hại và những cá nhân, tổ chức có liên quan. Việc này nhằm tạo điều kiện xem xét quá trình khắc phục hậu quả vụ án, bao gồm việc bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.
Dự kiến, phiên tòa sẽ được mở lại vào tháng 6/2025. Hội đồng xét xử yêu cầu các luật sư và những người liên quan chủ động thu xếp thời gian, đảm bảo có mặt đầy đủ để phiên tòa diễn ra đúng quy định. Thời gian cụ thể sẽ được thông báo sau.
Trước đó, vào ngày 26/12/2024, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC và các đơn vị có liên quan ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Tuy nhiên, phiên tòa buộc phải tạm hoãn do ông Trịnh Văn Quyết nhập viện để điều trị một số bệnh lý phức tạp, bao gồm: hen phế quản, lao phổi, dị ứng thuốc lao, viêm gan, suy thận do tác dụng của thuốc lao, viêm dạ dày và rối loạn tiêu hóa.
Tại phiên tòa lần này, luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết đề nghị hoãn xét xử do tình trạng sức khỏe của thân chủ suy yếu nghiêm trọng, nguy cơ tử vong cao, thường xuyên lên cơn khó thở và phải thở oxy liên tục. Hiện ông Quyết đang được duy trì phác đồ điều trị và cần tiếp tục theo dõi tại bệnh viện. Luật sư cũng đề xuất HĐXX xem xét, tạo điều kiện để gia đình có thêm thời gian khắc phục hậu quả vụ án.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, khi được hỏi về phương án bồi thường thiệt hại lên tới hơn 4.000 tỷ đồng, ông Trịnh Văn Quyết cho biết tổng tài sản cá nhân sau hơn 20 năm tích lũy có giá trị khoảng 4.800 – 5.000 tỷ đồng và bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện để khắc phục hậu quả.
Ông Trịnh Văn Quyết được xác định là chủ mưu, trực tiếp quyết định và chỉ đạo việc mua lại Công ty Faros bằng nguồn vốn góp khống. Sau đó hợp thức hóa nhằm nâng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Đồng thời, ông cũng chỉ đạo đưa công ty này lên sàn HOSE thông qua niêm yết cổ phiếu ROS. Sau đó bán ra hơn 391 triệu cổ phiếu, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng từ hơn 30.000 nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, ông Quyết còn bị cáo buộc đứng sau việc mở và quản lý nhiều tài khoản chứng khoán, sử dụng các tài khoản này để thao túng giao dịch của 5 mã chứng khoán, qua đó thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.