Quang cảnh cuộc họp Hội đồng thẩm định. Ảnh: Báo PLVN
Chính phủ đang xây dựng dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp nhằm thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tạo cơ sở pháp lý cho công tác tổ chức lại các đơn vị này. Cơ sở của dự thảo là kết quả thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện và cấp xã trong thời gian qua với mục tiêu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành.
Dự thảo Nghị quyết, do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo đưa ra 5 tiêu chí cơ bản cho việc sắp xếp các ĐVHC cấp tỉnh và cấp xã, bám sát các yêu cầu đã được Bộ Chính trị xem xét và thống nhất. Các tiêu chí bao gồm: Diện tích tự nhiên và quy mô dân số: ĐVHC cấp tỉnh có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn sẽ phải sắp xếp lại theo các quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15; Lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc: Các đơn vị cần có yếu tố lịch sử, truyền thống và văn hóa tương đồng nhằm duy trì sự đoàn kết cộng đồng và bảo vệ giá trị văn hóa của địa phương;
Địa kinh tế: ĐVHC cấp tỉnh cần có sự tương thích về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, phân bố không gian kinh tế và trình độ phát triển, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển chung và phát huy lợi thế kinh tế; Địa chính trị: Các yếu tố về năng lực quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin và mức độ chuyển đổi số của chính quyền địa phương sẽ được xem xét để bảo đảm sự ổn định và hiệu quả quản lý; Quốc phòng, an ninh: Cần phải đảm bảo yếu tố quốc phòng và an ninh, đặc biệt là tại các khu vực trọng yếu như biên giới và đảo, quần đảo.
Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra các tiêu chí đối với ĐVHC cấp xã, yêu cầu các đơn vị này có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn của ĐVHC tương ứng. Việc sắp xếp phải cân nhắc các yếu tố như lịch sử, văn hóa, tôn giáo, điều kiện tự nhiên, và yêu cầu về quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt, các ĐVHC có vị trí biệt lập hoặc khó kết nối giao thông sẽ không bắt buộc phải sắp xếp lại nếu việc này ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh hoặc chủ quyền quốc gia.
Tại cuộc họp thẩm định dự thảo Nghị quyết vào ngày 28/3, nhiều thành viên đã đóng góp ý kiến về các tiêu chí trong dự thảo. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TANDTC) Nguyễn Văn Tùng đề xuất cần cân nhắc kỹ các trường hợp không bắt buộc sắp xếp, đặc biệt là đối với các ĐVHC biệt lập về giao thông. Ông cũng nhấn mạnh việc cần phải xem xét lại tiêu chí về quốc phòng, an ninh.
Về việc đặt tên cho các xã, phường sau khi sắp xếp, dự thảo Nghị quyết khuyến khích việc đặt tên theo số thứ tự hoặc theo tên các ĐVHC cấp huyện trước khi sắp xếp nhằm tạo thuận lợi cho việc số hóa và cập nhật thông tin. Tên của các ĐVHC mới không được trùng với tên của các đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện có hoặc dự kiến thành lập.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật và Tư pháp (Văn phòng Quốc hội) Nguyễn Thị Hồng Chương lưu ý rằng việc đặt tên theo số có thể dễ dàng cho công tác số hóa nhưng cần phải thận trọng vì một số tên như “Vinh 1, Vinh 2” có thể thiếu tính lịch sử và truyền thống, gây khó khăn cho việc định danh. Do đó, bà Chương khuyến nghị cần có nguyên tắc linh hoạt để các địa phương tự nghiên cứu và đưa ra phương án tối ưu.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, dự thảo Nghị quyết cơ bản đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và đáp ứng yêu cầu của các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc sắp xếp và tổ chức lại ĐVHC. Thứ trưởng cũng đồng tình với việc khuyến khích sử dụng tên gọi đã có, có giá trị lịch sử và đã được cộng đồng đồng thuận nhưng cũng cần linh hoạt với nguyên tắc số hóa.
Về tiêu chí sắp xếp, Thứ trưởng Oanh cho rằng việc quy định các tiêu chí là cần thiết. Tuy nhiên, cần bổ sung nguyên tắc linh hoạt để các cơ quan, địa phương có thể thực hiện dễ dàng hơn, phù hợp với thực tế.