Các nghệ nhân xoan trình diễn tại đình Thét, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Báo Nhân Dân
Hát Xoan – một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, không chỉ là dấu ấn văn hóa của người dân Phú Thọ mà còn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, loại hình nghệ thuật này vẫn giữ được sức sống mãnh liệt, góp phần kết nối cộng đồng, thể hiện lòng tri ân tổ tiên và khơi dậy tình yêu quê hương, nhất là vào mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.
Hát Xoan có nguồn gốc từ thời đại Hùng Vương, gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và các nghi lễ cộng đồng của cư dân vùng đất tổ Phú Thọ. Theo truyền thuyết, những bài hát Xoan đầu tiên được sáng tác và trình diễn trong các nghi lễ tại miếu Lãi Lèn, đình Thét và nhiều di tích lịch sử khác quanh khu vực Đền Hùng, thể hiện lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân.
Trải qua thời gian, hát Xoan dần lan tỏa ra nhiều địa phương, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa dân gian. Các phường Xoan được hình thành, hoạt động theo hình thức truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần gìn giữ những giá trị độc đáo và đặc trưng của loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của chiến tranh, những biến động xã hội và sự thay đổi trong đời sống văn hóa, hát Xoan từng có thời kỳ đứng trước nguy cơ mai một. Trước thực trạng đó, các nghệ nhân cùng chính quyền địa phương đã nỗ lực hết mình để khôi phục và bảo tồn di sản quý báu này. Nhờ những đóng góp bền bỉ, năm 2011, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã ghi nhận hát Xoan Phú Thọ là Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là một dấu mốc quan trọng, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng trong việc gìn giữ di sản văn hóa dân tộc.
Không dừng lại ở đó, với sự phục hồi mạnh mẽ và sự tiếp nối của thế hệ trẻ, đến năm 2017, hát Xoan tiếp tục được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Danh hiệu này không chỉ khẳng định giá trị nghệ thuật đặc sắc của hát Xoan mà còn là niềm tự hào của người dân Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung. Thành công này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đồng thời góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Để bảo tồn và phát huy giá trị của hát Xoan, các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ đã triển khai các hoạt động cụ thể nhằm đưa loại hình nghệ thuật này vào chương trình giáo dục tại các trường học. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai chương trình học hát Xoan đến tất cả các cấp học trong tỉnh, với mỗi cấp học xây dựng giáo trình phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Các nghệ nhân hát Xoan, đặc biệt là những người cao tuổi, đã trực tiếp đứng lớp truyền dạy, giúp thế hệ trẻ tiếp cận và kế thừa di sản một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Ngoài việc học lý thuyết, học sinh còn được tham gia các hoạt động thực tế tại các di tích lịch sử như miếu Lãi Lèn, đình làng Hùng Lô, nơi các em có thể tìm hiểu về lịch sử và giá trị văn hóa của hát Xoan. Các em cũng có cơ hội tham gia nghi lễ dâng hương, giao lưu với các nghệ nhân và biểu diễn những làn điệu Xoan trong các cuộc thi, liên hoan hát Xoan được tổ chức định kỳ trong tỉnh. Đặc biệt, tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, nghệ nhân và học sinh sẽ biểu diễn các tiết mục hát Xoan tại Khu di tích Đền Hùng, giới thiệu đến du khách thập phương về giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại mà quê hương đất Tổ đang gìn giữ.
Chương trình này không chỉ giúp học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử của hát Xoan mà còn khơi dậy niềm tự hào và ý thức bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Để tiếp tục phát huy giá trị của hát Xoan, tỉnh Phú Thọ đã đưa loại hình nghệ thuật này vào các tour du lịch, kết hợp với các địa điểm di tích nổi tiếng như Khu di tích Đền Hùng, miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô, đình An Thái… Du khách đến các điểm này không chỉ được nghe hát mà còn có cơ hội học và thực hành hát Xoan cùng các nghệ nhân, tạo nên những trải nghiệm thú vị và sâu sắc. Chính vì vậy, chương trình “Hát Xoan làng cổ” đã trở thành điểm nhấn nổi bật, thu hút sự chú ý của đông đảo du khách trong và ngoài nước mỗi dịp Giỗ Tổ.
Chương trình “Hát Xoan làng cổ” năm nay sẽ diễn ra từ ngày 3/4 đến 7/4 (tức từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch) tại các di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, là dịp để cộng đồng và du khách tiếp tục tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tuy nhiên, dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, công tác bảo tồn hát Xoan vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là việc thiếu vắng thế hệ kế cận. Số lượng nghệ nhân cao tuổi đang dần giảm đi, trong khi thế hệ trẻ lại chưa quan tâm đủ nhiều đến việc gìn giữ nghệ thuật truyền thống này. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc truyền dạy, khuyến khích lớp trẻ tham gia vào công tác bảo tồn di sản văn hóa trên. Các chương trình bảo tồn cần tiếp tục được duy trì và mở rộng, đặc biệt là cần tạo điều kiện thuận lợi để thanh thiếu niên tham gia các lớp học hát Xoan.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, văn hóa đại chúng đang ngày càng chiếm ưu thế trong thị trường giải trí, khiến cho các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có hát Xoan phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ. Vì vậy, việc duy trì sự phát triển của hát Xoan không chỉ trong phạm vi tỉnh Phú Thọ mà còn trong cộng đồng cả nước, đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực không ngừng từ tất cả các cấp, ngành và toàn xã hội.
Để hát Xoan có thể đứng vững và phát triển trong đời sống đương đại cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận khán giả. Việc bảo tồn nguyên bản những giá trị cốt lõi của hát Xoan là vô cùng quan trọng, nhưng đồng thời cũng cần có sự sáng tạo phù hợp với thời đại. Những cải tiến trong phương thức biểu diễn, kết hợp với các yếu tố nghệ thuật hiện đại một cách tinh tế sẽ giúp hát Xoan trở nên hấp dẫn hơn đối với khán giả trẻ và những người chưa có cơ hội tiếp cận loại hình nghệ thuật này.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông và quảng bá đóng vai trò then chốt trong việc đưa hát Xoan đến gần hơn với công chúng trong nước và quốc tế. Việc ứng dụng nền tảng số như mạng xã hội, video trực tuyến hay các ứng dụng di động sẽ giúp giới thiệu hát Xoan một cách sinh động và dễ tiếp cận hơn. Các chương trình biểu diễn trực tuyến, tư liệu số hóa về hát Xoan hay những nội dung sáng tạo như phim tài liệu, MV ca nhạc kết hợp yếu tố truyền thống sẽ giúp công chúng hiểu sâu hơn về giá trị nghệ thuật của di sản này.
Ngoài ra, việc kết hợp hát Xoan với các chương trình du lịch và giáo dục không chỉ tạo cơ hội trải nghiệm thực tế cho du khách và học sinh mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Thông qua những tour du lịch văn hóa tại các địa điểm gắn liền với hát Xoan, du khách có thể trực tiếp cảm nhận và tham gia vào không gian văn hóa đặc trưng của loại hình nghệ thuật này. Đồng thời, việc lồng ghép hát Xoan vào chương trình học tại các trường học sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về truyền thống dân tộc. Từ đó hình thành ý thức gìn giữ di sản.
Những nỗ lực này không chỉ giúp bảo tồn hát Xoan một cách bền vững mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, khẳng định giá trị của di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời tạo động lực để nghệ thuật truyền thống có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.