Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu thanh niên. (Ảnh: VGP)
Những khát khao, kiến nghị vươn ra biển lớn
Với sự đồng hành của Chính phủ, tôi tin rằng thế hệ trẻ sẽ không chỉ bắt kịp, mà còn dẫn đầu làn sóng chuyển đổi số toàn cầu, viết nên câu chuyện tự hào của dân tộc. PGS.TS Đào Việt Hằng, Chủ nhiệm Mạng lưới Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu chia sẻ, mô hình Mạng lưới Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu – sáng kiến của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong những năm qua là một kênh giúp kết nối các trí thức, nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước. Khi tiến hành các hoạt động giao lưu, trao đổi về KH&CN, đối thoại giữa thanh niên nghiên cứu khoa học ở trong và ngoài nước, chúng tôi nhận thấy đã mở rộng được công tác liên ngành, nhưng đồng thời tạo ra kênh để thu hút các bạn trẻ làm nghiên cứu khoa học ở nước ngoài, đưa các cơ hội mới về cho các nhà nghiên cứu khoa học ở trong nước, từ đó xây dựng các dự án hợp tác.
Theo PGS.TS Đào Việt Hằng: “Mặc dù Mạng lưới của chúng tôi còn trẻ nhưng đã xây dựng được những viên gạch đầu tiên giúp tạo ra kênh để các nhà nghiên cứu khoa học trẻ trong nước vươn ra biển lớn. Đồng thời đưa các nhà nghiên cứu từ nước ngoài quay trở về đóng góp cho quê hương”.
Cùng đó, PGS.TS Hằng bày tỏ sự trăn trở là làm thế nào vừa phát triển KH&CN nhưng vừa bảo đảm được an toàn thông tin mạng, bảo đảm được dữ liệu. Đưa AI vào xét nghiệm, vào các chương trình đào tạo của các trường đại học, các viện nghiên cứu hoặc đưa vào các hoạt động thanh niên của chính các cơ sở Đoàn, các cơ sở của Hiệp hội Thanh niên sẽ là cách để hướng các bạn trẻ tiếp cận công nghệ thông tin một cách có trách nhiệm, có ý thức hơn. Hiện tại có những cơ chế, chính sách nào cho phép và khuyến khích các tổ chức nghiên cứu, các nhà khoa học được tham gia thiết lập, điều hành các doanh nghiệp dựa vào chính các kết quả nghiên cứu của mình? Những nhà khoa học trẻ như chúng tôi rất mong muốn các sản phẩm của mình có thể đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Ở góc độ khác, TS. Hoàng Anh Đức (Đại học RMIT, là người làm trong lĩnh vực khoa học và giáo dục) đề xuất thêm một ý là bên cạnh câu chuyện đối thoại, xin Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cân nhắc thành lập Ban Cố vấn Thanh niên liên quan đến việc phát triển khoa học, công nghệ và giáo dục. Nếu được như vậy thì Mạng lưới Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu sẵn sàng tham gia vào đội ngũ này.
Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024, TS. Phạm Huy Hiệu, Giám đốc Khoa học Trường Đại học VinUni kiến nghị thành lập Chương trình quốc gia có cơ chế tài chính hỗ trợ các trường đại học nghiên cứu trọng điểm. Theo định nghĩa chung của các trường đại học thì trường đại học là nơi sản sinh ra tri thức mới, các ý tưởng mới để làm nguồn đầu vào của quá trình đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam phần lớn nguồn lực của các trường đại học đều đang dành cho các hoạt động giảng dạy là hoạt động cốt lõi nhất và các giảng viên, nhà nghiên cứu chưa thực sự có đủ nguồn lực để có thể tạo ra những nghiên cứu chuyên sâu, các công nghệ làm nguồn đầu vào cho đổi mới sáng tạo. Kiến nghị đầu tiên là làm sao chúng ta hình thành được mạng lưới các trường nghiên cứu thực thụ để tạo ra các sản phẩm làm đầu vào cho quá trình đổi mới công nghệ.
Kiến nghị thứ hai là hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến từ sinh viên, thanh niên Việt Nam hiện nay đang rất khó tiếp cận các quỹ đầu tư. Ở Việt Nam có các quỹ đầu tư quốc tế, tuy nhiên họ thường đầu tư vào các dự án có tiềm năng thương mại rất rõ ràng, có thị trường, có công nghệ rất rõ ràng. Thành ra ý tưởng của các bạn thanh niên dù rất hay nhưng rất khó có khả năng tiếp cận các nguồn vốn. TS Phạm Huy Hiệu kiến nghị Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ xem xét nghiên cứu thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho các dự án khởi nghiệp ở giai đoạn đầu, một quỹ tài chính chuyên biệt dành cho các nhà khoa học trẻ dưới 35 tuổi để họ có cơ hội biến ý tưởng nghiên cứu thành các giải pháp tạo ra tác động trên thực tế. Làm sao để có các Hội đồng Quỹ có khả năng đánh giá khách quan, công bằng dựa trên tính mới, tiềm năng triển khai ở trong thực tế, tạo ra các tác động xã hội và lựa chọn đầu tư cho các dự án có tác động xã hội.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phượng, Giám đốc Công ty TNHH Nguồn nhân lực SK Việt Nam bày tỏ, mục tiêu Nghị quyết 57 là phấn đấu tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp. Bà Phượng mong muốn được biết về bức tranh tổng quan đối với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay và giải pháp để nước ta đạt được mục tiêu trên trong thời gian tới!…
Quyết liệt hành động với những chính sách đột phá
Trước kiến nghị của các nhà khoa học trẻ, doanh nghiệp trẻ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, Nghị quyết 57 đã đặt ra một mục tiêu quan trọng: Gỡ bỏ các rào cản, giải phóng năng lực, tháo gỡ nhiều vướng mắc để đưa tất cả nguồn lực và sức sáng tạo từ khu vực nghiên cứu chuyển hóa thành năng lực đổi mới tại các doanh nghiệp.
Trên tinh thần của Nghị quyết 57, ngay từ đầu tháng 3, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ban, ngành thể chế hóa chủ trương này của Đảng. Nội dung được cụ thể hóa trong Nghị quyết 193 về việc thử nghiệm các chính sách đột phá nhằm phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, các cơ sở công lập có quyền tham gia góp vốn và thành lập doanh nghiệp. Viên chức trong các cơ sở này cũng được phép tham gia điều hành doanh nghiệp. Ngoài cơ chế trước đây cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ để đầu tư, lần này Chính phủ và Quốc hội đã quy định rằng tất cả các doanh nghiệp, khi đầu tư vào nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, kể cả đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, sẽ được khấu trừ chi phí đó trong phần chi phí chịu thuế, với mức khấu trừ lên đến 150%. Như vậy, chính sách này sẽ công bằng và hài hòa hơn so với giai đoạn trước, khi chỉ có doanh nghiệp lớn mới đủ nguồn lực tài chính và doanh thu để lập quỹ phát triển khoa học công nghệ. Từ nay, doanh nghiệp ở mọi quy mô đều có thể đầu tư cho khoa học công nghệ và được hưởng khấu trừ thuế.
Ngoài ra, các yếu tố khác như quỹ đầu tư mạo hiểm, hệ thống hạ tầng khoa học công nghệ, đặc biệt là việc phát triển các phòng thí nghiệm sẽ được quan tâm và đầu tư trong thời gian tới, trong 5 đến 10 năm với tổng chi từ 20 – 25% ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của quốc gia. Với việc mở cửa cho các đơn vị sự nghiệp công lập cùng đội ngũ viên chức tham gia thành lập, điều hành và biến tri thức sáng tạo của mình thành năng lực đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp được, sẽ mở ra một cánh cửa để các nhà khoa học, đặc biệt là tri thức trẻ, tham gia trực tiếp vào mục tiêu cuối cùng là phát triển đất nước.
Thông tin tại chương trình, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho biết: “Đến nay chúng ta đã có văn bản hợp tác với trên 100 đối tác song phương trên thế giới, tham gia vào trên 100 tổ chức quốc tế, các tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học quốc tế, ký hàng trăm thỏa thuận hợp tác về khoa học công nghệ”.
Trong thời gian qua, việc chúng ta tiến hành ngoại giao khoa học công nghệ để thu hút các tập đoàn lớn về khoa học công nghệ lớn trên thế giới vào làm việc tại Việt Nam cũng đạt được thành công. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, của các cấp, các ngành, vừa qua rất nhiều tập đoàn lớn đã đặt trụ sở tại Việt Nam hoặc coi Việt Nam là quê hương thứ hai của họ.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhận định, nếu chúng ta vẫn còn tư duy là học tập, đào tạo xong thì đi làm việc tại các nước, điều đó tốt nhưng về lâu dài phải phục vụ cho Việt Nam bằng trí tuệ, bằng dữ liệu của Việt Nam để xây dựng trí tuệ nhân tạo. Cuối cùng, chúng ta kết nối đội ngũ trí thức, thanh niên của chúng ta với trí thức kiều bào, các nhà khoa học của chúng ta ở nước ngoài. “Chúng tôi gặp gỡ rất nhiều trí thức kiều bào rất trẻ, chỉ mới 28 và 29 tuổi nhưng đã làm chủ các chương trình khoa học công nghệ rất lớn tại Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ…”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Về bố trí nguồn lực cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năm nay, ngân sách nhà nước bố trí khoảng 3% cho lĩnh vực này, tăng 1% so với trước khi ban hành Nghị quyết 57 và sang năm sẽ bố trí khoảng 5% ngân sách nhà nước. Nguồn lực nhà nước mang tính dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực ngoài nhà nước.
Về tổ chức thực hiện Nghị quyết 57, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm là Trưởng Ban Chỉ đạo của Trung ương, trong đó có nội dung về phát triển doanh nghiệp công nghệ với hệ sinh thái (xây dựng hành lang pháp lý, hạ tầng, đào tạo nhân lực), chúng ta cũng đang xây dựng Đề án phát triển doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời có cơ chế, chính sách, giải pháp hướng doanh nghiệp hướng đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, tinh thần là thể chế phải thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị phải thông minh.
Đánh giá đây là những giải pháp tổng thể, toàn diện và khả thi, hiệu quả, Thủ tướng rất mong các bạn trẻ tiếp tục khởi nghiệp với các doanh nghiệp khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh doanh có lợi nhuận và tạo phong trào, khí thế chung, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Theo đó, Thủ tướng nhắn nhủ thanh niên cần triển khai các công việc với tinh thần “ba có và hai không”. “Ba có” là có lợi cho đất nước, có lợi cho người dân, có lợi cho doanh nghiệp, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. “Hai không” là không có động cơ cá nhân, tham nhũng, tiêu cực và không để thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước, của Nhân dân, tài nguyên của đất nước. Đồng thời, cần tăng cường kết nối các nhà khoa học trẻ, tài năng trẻ và tạo môi trường để họ cống hiến, chia sẻ, phối hợp với nhau như duy trì và mở rộng mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu…
Theo Báo PLVN