Ảnh minh hoạ. Ảnh: Internet
Mùa xuân trùng với cao điểm mùa khô hanh, làm gia tăng nguy cơ cháy rừng trên diện rộng. Việc sử dụng lửa bất cẩn, đặc biệt trong đốt nương rẫy có thể gây hỏa hoạn nghiêm trọng. Để bảo vệ rừng, người dân cần nâng cao ý thức phòng cháy, tuân thủ quy định an toàn và chung tay giám sát, phát hiện sớm nguy cơ cháy rừng.
Những năm gần đây, tình trạng cháy rừng diễn biến ngày càng phức tạp, chủ yếu do các hành vi bất cẩn trong sử dụng lửa. Việc đốt lửa sưởi ấm, nấu nướng trong rừng, vứt tàn thuốc lá bừa bãi hay đốt nương rẫy không kiểm soát là những nguyên nhân hàng đầu. Ngoài ra, thắp hương, đốt vàng mã tại các khu vực rừng có đền, chùa, miếu cũng làm gia tăng nguy cơ hỏa hoạn, đòi hỏi sự nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác phòng cháy, bảo vệ rừng.
Thực tế gần đây là vụ cháy rừng đặc dụng tại Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) xảy ra vào ngày 23/1, đã gióng lên “tiếng chuông cảnh tỉnh” về công tác bảo vệ di sản thiên nhiên. Vụ cháy không chỉ thiêu rụi hàng nghìn mét vuông rừng mà còn đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái và giá trị của di sản thế giới được UNESCO công nhận. Những hiện tượng như cháy rừng, khai thác quá mức và ô nhiễm môi trường đang đẩy nhiều di sản thiên nhiên khác như Vịnh Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng đến nguy cơ suy thoái nghiêm trọng.
Hậu quả của cháy rừng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến môi trường, khí hậu, mất đi nguồn tài nguyên rừng quý giá, làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch và lễ hội. Bên cạnh đó, cháy rừng còn gây ô nhiễm không khí, suy giảm đa dạng sinh học, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.
Trong cuộc chiến bảo vệ rừng, lực lượng chức năng đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên sự tham gia tích cực của cộng đồng mới là yếu tố quyết định. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức về công tác phòng cháy chữa cháy rừng, chủ động trở thành những “chiến sĩ” bảo vệ rừng qua các hành động thiết thực.
Khi phát hiện cháy rừng, người dân cần nhanh chóng thông báo cho lực lượng chức năng hoặc chính quyền địa phương. Nếu điều kiện cho phép, có thể tham gia cùng lực lượng chức năng chữa cháy. Nhiều địa phương đã thành lập các đội phòng cháy chữa cháy rừng, góp phần quan trọng trong việc tuần tra, phát hiện và báo cháy kịp thời, giảm thiểu thiệt hại.
Công tác phòng chống cháy rừng trong mùa lễ hội cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và cộng đồng. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không xâm phạm, phá hoại hay khai thác trái phép tài nguyên rừng. Chính quyền và các lực lượng chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giám sát, lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm và duy trì lực lượng ứng trực 24/24 giờ để đảm bảo an toàn cho khu vực rừng.