Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường. Ảnh: Trung ương Đoàn
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 51/NQ-CP nhằm tiếp tục đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo. Chương trình hành động đặt ra 8 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có mục tiêu từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường. Đây được xem là bước đi quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
8 nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới giáo dục và đào tạo
Nghị quyết nêu rõ 8 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo. Các nhiệm vụ này bao gồm:
Quán triệt và nâng cao nhận thức, đồng thời tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc tổ chức triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).
Tiếp tục hoàn thiện các thể chế, cơ chế, chính sách và pháp luật về GD&ĐT theo hướng khoa học, hiện đại, đồng bộ và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong nước. Điều này bao gồm việc kịp thời tháo gỡ các “điểm nghẽn” và đảm bảo một khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ và khả thi cho công cuộc đổi mới GD&ĐT. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để bảo đảm sự liên thông và đồng bộ giữa các cấp học và trình độ đào tạo.
Tập trung vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học từ mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên cho đến giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, giáo dục quốc phòng, an ninh và giáo dục thể chất, thể thao cho học sinh, sinh viên và học viên.
Đẩy mạnh đầu tư hiện đại hóa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, và liên thông, thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo.
Đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thu hút và trọng dụng nhân tài để làm việc trong ngành giáo dục.
Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, bảo đảm đủ điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển GD&ĐT.
Thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo, tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên và học viên, đồng thời từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong hệ thống trường học, tăng cường đưa tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo và quán triệt, thực hiện nghiêm túc và quyết liệt công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 29-NQ/TW và Kết luận số 91-KL/TW.
Các Bộ, ngành và địa phương căn cứ vào nhiệm vụ được giao trong Kết luận số 91-KL/TW và Chương trình hành động này sẽ xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của mình. Kinh phí thực hiện chương trình sẽ được phân bổ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương để tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này. Bộ GD&ĐT sẽ định kỳ sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vấn đề cần điều chỉnh, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chủ động đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung để Bộ GD&ĐT tổng hợp và báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.
Triển khai quyết liệt Nghị quyết 51: Đổi mới giáo dục theo chiều sâu
Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 18/3/2025 một lần nữa khẳng định cam kết của Đảng và Nhà nước đối với công tác giáo dục và đào tạo, thể hiện rõ quan điểm “phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Ngay sau khi có Kết luận số 91, ngành Giáo dục đã nhanh chóng triển khai các mục tiêu cụ thể nhằm, phát triển giáo dục theo chiều sâu với trọng tâm đào tạo con người nhân văn, chú trọng vào việc học thật, thi thật và chất lượng thật. Theo các chuyên gia giáo dục, Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 91 đánh dấu một bước phát triển quan trọng về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp giáo dục, thể hiện quyết tâm lớn và tầm nhìn chiến lược nhằm phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh mới với những thách thức và thay đổi liên tục.
Về việc thực hiện Kết luận số 91, GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. HCM nhận định rằng, các nhiệm vụ và giải pháp được đưa ra có tính toàn diện, từ việc quản lý, cơ sở pháp lý cho đến bảo đảm chất lượng giáo dục, phát triển cơ sở vật chất, tài chính và hội nhập quốc tế. Ông khẳng định rằng, rất khó để chỉ ra giải pháp nào quan trọng nhất, bởi đây là một hệ tư tưởng nhất quán với các giải pháp đồng bộ, góp phần thúc đẩy đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ở nước ta.
Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đỗ Tuấn Minh chia sẻ rằng, ngay sau khi Kết luận 91-KL/TW được ban hành, trường đã tổ chức họp và đưa nội dung “từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học” vào nghị quyết của trường. Đồng thời, nhà trường đã biên soạn Bộ tài liệu hướng dẫn chi tiết để triển khai kế hoạch này với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, từ người dạy, người học đến các đối tượng khác. Ông Đỗ Tuấn Minh cũng nhấn mạnh, để đạt được hiệu quả cao, cần phải coi tiếng Anh là một phần của văn hóa trường học, tạo ra không gian học tập hiệu quả và linh hoạt, đồng thời tiếp thu những bài học kinh nghiệm từ Đề án Ngoại ngữ Quốc gia trước đó.
Về lĩnh vực giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ đã có công văn yêu cầu các Sở GD&ĐT báo cáo về công tác giảng dạy tiếng Anh, công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Bộ cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Đề án Quốc gia nhằm từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong các trường học. Các thông tư mới như Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT và Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT cũng đã được ban hành, thể hiện nỗ lực của Bộ trong việc thực hiện đổi mới giáo dục theo Nghị quyết của Đảng. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng nhấn mạnh, trong quá trình đổi mới, yếu tố cốt lõi là nâng cao chất lượng đội ngũ thầy cô giáo và tập trung vào người học.
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới toàn diện giáo dục, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có những bước chuyển biến rõ rệt từ năm học 2020 – 2021. Những thay đổi này không chỉ ở hình thức mà còn ở nội dung, phương pháp giảng dạy nhằm phát triển toàn diện học sinh. TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Trường THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), với hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy bày tỏ kỳ vọng, vào chương trình giáo dục mới, bởi chương trình này không chỉ giúp học sinh tìm ra mục đích học tập mà còn tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện trong tương lai.