Tàu cá của bà con ngư dân phường Thuận An ra khơi đánh cá. Ảnh: T.N
Những ngày đầu năm mới, ngư dân thành phố Huế lại nô nức ra khơi đánh bắt thủy sản, khởi đầu một mùa biển đầy hy vọng. Những con thuyền rẽ sóng mang theo khát vọng no đủ, phản ánh sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành thủy sản địa phương.
Uỷ ban nhân dân thành phố (TP) Huế vừa ban hành quyết định công nhận cảng cá Thuận An là cảng cá loại II. Dự án cảng cá Thuận An, kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão, có tổng kinh phí đầu tư hơn 220 tỷ đồng. Cảng có chiều dài cầu cảng 370m, luồng cảng sâu 3,4m và rộng 60m, với độ sâu vùng nước đậu tàu và khu vực trước cầu cảng là 2,6m. Tổng diện tích đất cảng lên tới 5,47ha, trong khi diện tích vùng nước trước cầu cảng là hơn 13ha. Cảng có năng lực bốc dỡ hàng hóa tối thiểu 20.000 tấn/năm, đáp ứng nhu cầu neo đậu, tránh trú bão cho 500 tàu thuyền các loại có chiều dài từ 6m trở lên.
Sau tiếng trống rộn rã báo hiệu lễ xuất quân, hàng chục tàu cá công suất lớn của ngư dân phường Thuận An, quận Thuận Hóa, TP Huế đồng loạt nổ máy, chuẩn bị ra khơi với khí thế hăng hái. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng của ngư dân các địa phương ven biển miền Trung, nhằm cầu mong trời yên biển lặng và một năm đánh bắt thuận lợi.
Ngư dân Trần Văn Cường (phường Thuận An) chia sẻ, chuyến biển đầu năm không chỉ là công việc mưu sinh mà còn mang theo kỳ vọng về một mùa biển bội thu, tiếp thêm động lực cho ngư dân bám biển dài ngày. Trước lễ xuất quân, các ngư dân đã chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm, lương thực, nước ngọt, đá cây phục vụ cho chuyến đi biển kéo dài từ 15 đến 20 ngày. Ngoài việc chuẩn bị ngư lưới cụ và vật dụng thiết yếu, ngư dân còn thay mới lá cờ Tổ quốc cắm trên tàu trước khi ra khơi.
Tại các phường, xã ven biển của TP Huế như Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên (huyện Phú Vang), Lộc Trì (huyện Phú Lộc) và Phong Phú, Phong Thạnh (thị xã Phong Điền), ngư dân cũng đã thực hiện nghi lễ “xông biển”, bắt đầu một mùa đánh bắt hải sản đầu năm.
Ông Ngô Văn Đủ, Bí thư Đảng ủy phường Thuận An, quận Thuận Hóa cho biết, trong vụ cá Nam năm nay, sau khi sáp nhập hai địa phương Thuận An và Hải Dương, phường Thuận An có khoảng 385 tàu thuyền ra khơi ngay trong những ngày đầu năm. Đây tiếp tục là địa phương có số lượng tàu thuyền và lao động biển lớn nhất trên địa bàn TP Huế, góp phần phát huy mạnh mẽ thế mạnh về kinh tế biển. Các tàu cá của ngư dân hiện nay đều được trang bị công nghệ hiện đại như máy bộ đàm, máy định vị hàng hải và máy dò cá, nhờ đó sản lượng khai thác hải sản của phường trong năm 2024 đạt 14.500 tấn. Bên cạnh việc khai thác, ngư dân cũng chú trọng công tác bảo vệ nguồn lợi hải sản và bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển.
Những chuyến biển đầu năm không chỉ mang theo kỳ vọng về một mùa đánh bắt bội thu mà còn phản ánh sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành thủy sản TP Huế. Việc nâng cao chất lượng đội tàu, đẩy mạnh khai thác có trách nhiệm, đảm bảo an toàn và tuân thủ các thủ tục quốc tế, là yếu tố quan trọng giúp ngành thủy sản địa phương phát triển bền vững và mở rộng thị trường xuất khẩu trong tương lai. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2024, TP Huế có 1.123 tàu khai thác hải sản biển đã đăng ký. Năm 2025, ngành thủy sản TP Huế sẽ duy trì sản lượng ổn định trên 40.000 tấn và tiếp tục vận động ngư dân tuân thủ các quy định về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, góp phần củng cố an ninh quốc phòng trên các vùng biển xa.