Ông Nguyễn Hoài Bắc. Ảnh: PV
Nhà nước giữ vai trò nền tảng vững chắc, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển thông qua việc cung cấp tài nguyên, tài chính và môi trường kinh doanh minh bạch. Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc – kiều bào Canada và Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định, sự hỗ trợ từ Nhà nước giúp khu vực tư nhân mở rộng quy mô, tạo thêm việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh. Khi kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế quốc gia sẽ được thúc đẩy theo hướng bền vững và thịnh vượng.
Nhìn lại quá trình phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, ông Nguyễn Hoài Bắc chia sẻ, ông đã đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam từ năm 1991. Khi đó, khu vực kinh tế tư nhân còn rất mờ nhạt. Chỉ đến năm 1996 mới bắt đầu hình thành và phát triển, dù vẫn còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn và cổ phần hóa đối mặt với trở ngại, kinh tế tư nhân vẫn góp phần duy trì tăng trưởng GDP ổn định.
Theo ông, doanh nghiệp tư nhân là lực lượng tạo ra việc làm chủ yếu, chiếm 85% tổng lao động trong nền kinh tế và giúp hàng triệu người có thu nhập ổn định. Năm 2023, khu vực này đã tạo ra 8,6 triệu việc làm trực tiếp, góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao mức sống của người dân.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân cũng là lực lượng tiên phong trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Các tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam đã vươn ra thị trường quốc tế, nâng cao vị thế thương hiệu Việt và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Kinh tế tư nhân cũng giúp tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Tốc độ tăng năng suất lao động của khu vực này trung bình đạt 6-8% mỗi năm, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Thêm vào đó, nguồn lực từ kiều bào Việt Nam ở nước ngoài cũng đóng góp quan trọng. Hàng năm, bà con kiều bào gửi về Việt Nam hơn 6,2 triệu kiều hối giúp phát triển kinh tế tư nhân với tổng số tiền kiều hối năm 2024 đạt gần 17 tỷ USD. Dòng tiền FDI từ kiều bào đạt hơn 1,87 tỷ USD đầu tư vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam.
Ông Bắc nhấn mạnh rằng, khi kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, các lĩnh vực liên quan cũng sẽ đóng vai trò “vệ tinh”, thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Sự cạnh tranh không chỉ diễn ra trong từng ngành nghề mà còn lan tỏa sang các sản phẩm và dịch vụ đi kèm, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Nhờ đó, giá trị sản phẩm được gia tăng, tạo động lực phát triển bền vững cho nền kinh tế.
Với sự phát triển của kinh tế tư nhân, mọi lĩnh vực trong xã hội đều được phát triển theo chiều hướng tích cực. Ông Bắc tin rằng kinh tế tư nhân sẽ trở thành động lực quan trọng nhất, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế quốc gia như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra trong bài viết của mình.
Tuy nhiên, dù kinh tế tư nhân đóng góp lớn vào GDP và ngân sách nhà nước, khu vực này vẫn gặp phải rất nhiều rào cản. Đặc biệt là vấn đề “quan hệ” trong kinh doanh và những kẽ hở trong luật pháp khiến doanh nghiệp tư nhân không dám phát triển mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam có thể có hàng nghìn tỷ đồng vốn thực tế, nhưng lại chỉ đăng ký một số vốn nhỏ trong giấy phép kinh doanh để tránh các phiền hà pháp lý.
Ngoài ra, ông Bắc cũng chỉ ra sự khác biệt trong quy định về giấy phép kinh doanh tại Việt Nam và các quốc gia phát triển, nơi mà doanh nghiệp không cần đăng ký số vốn lớn nhưng vẫn có thể phát triển mạnh mẽ.
Theo ông, để đưa khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần phải xóa bỏ các rào cản, khơi dậy sức mạnh của doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ phải là bệ đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tài nguyên và tài chính, đồng thời cần tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp bất kể quy mô lớn hay nhỏ.
Ông tin rằng cuộc cách mạng cải cách thể chế mà Đảng, Chính phủ và các cơ quan chức năng đang triển khai sẽ thành công nếu có sự đồng lòng từ 100 triệu dân và 6,2 triệu kiều bào. Điều quan trọng là cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ xã hội đối với doanh nghiệp tư nhân, giúp các doanh nghiệp này phát triển và đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng chung của đất nước.
Ông Nguyễn Hoài Bắc khẳng định, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, kinh tế tư nhân phải được tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ. Chính phủ và xã hội cần đồng hành, xóa bỏ các rào cản và tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch để doanh nghiệp tư nhân phát huy hết tiềm năng của mình góp phần vào sự thịnh vượng chung của Việt Nam.