Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với TP Hà Nội về 3 nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Ảnh: VGP
Ngày 26/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố (TP) Hà Nội theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm đánh giá tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025; đồng thời bàn về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) và kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố.
Tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch đầu tư công năm 2025 của Hà Nội được giao là 87.130 tỷ đồng. Tính đến ngày 24/3, thành phố đã giải ngân hơn 5.052 tỷ đồng, đạt 5,8% kế hoạch.
Về chất lượng môi trường không khí, ông Đông nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp cảnh báo và ứng phó kịp thời trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng nhằm bảo vệ sức khỏe người dân. Hiện thành phố đang rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý chất lượng không khí; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Đối với công tác đảm bảo TTATGT, Hà Nội đã triển khai đồng bộ 8 nhóm giải pháp mang tính chiến lược dài hạn và 6 nhóm giải pháp cấp bách. Trong quý I/2025, thành phố đã xử lý được 3/37 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông.
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tài chính đã trao đổi cụ thể về các phương án tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách sử dụng ngân sách địa phương cho các dự án trọng điểm như cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi và một số tuyến đường sắt đô thị sử dụng vốn ODA. Vấn đề giải phóng mặt bằng – đặc biệt là việc xác định nguồn gốc đất, giá đất và phương án bồi thường các công trình trên đất nông nghiệp cũng được đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm rõ.
Trung tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) nhận định, Hà Nội cần đánh giá toàn diện công tác tổ chức giao thông và vận tải hành khách công cộng, đồng thời xây dựng lộ trình giảm dần phương tiện cá nhân tại các tuyến đường, khu vực trọng điểm. Ông cũng đề xuất xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phổ biến như vượt đèn đỏ, đi xe máy trên vỉa hè, không đội mũ bảo hiểm,…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh bày tỏ sự đồng thuận và cho biết các ý kiến từ các bộ, ngành là cơ sở quan trọng để thành phố tự tin hơn trong triển khai các dự án trọng điểm. Hà Nội sẽ đăng ký thực hiện mô hình “Thành phố An toàn giao thông”. Đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các đề án về giao thông thông minh, đô thị thông minh, phát triển hệ thống giao thông công cộng xanh và bền vững.
Đề án tổng thể kiểm soát ô nhiễm không khí Thủ đô
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao các bộ, ngành liên quan tiếp thu, nghiên cứu và giải đáp đầy đủ các kiến nghị của Hà Nội. Đồng thời, ông yêu cầu đề xuất giải pháp tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm chủ động trong điều hành, phân bổ và sử dụng ngân sách cho các dự án trọng điểm.
Về vấn đề ô nhiễm không khí, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hà Nội và các địa phương vùng Thủ đô xây dựng đề án tổng thể trình Thủ tướng Chính phủ. Đề án cần làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành và địa phương, đồng thời đề xuất các chính sách, cơ chế cụ thể. Các đơn vị cần xác định chính xác nguồn gây ô nhiễm, mức độ và thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng. Từ đó, có phương án xử lý dứt điểm như di dời, đóng cửa các cơ sở gây ô nhiễm nặng; áp dụng các tiêu chuẩn khí thải phương tiện giao thông nghiêm ngặt hơn.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Hà Nội có chiến lược tổng thể và bài bản trong xử lý ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và cải tạo các dòng sông, góp phần nâng cao chất lượng sống và diện mạo đô thị. Ông nhấn mạnh: “Hà Nội đã đề xuất dự án xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch nhưng mục tiêu phải là tất cả các dòng sông trên địa bàn TP phải được phục hồi. Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sẽ cùng đồng hành”.
Liên quan đến bảo đảm TTATGT, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội triển khai các giải pháp lâu dài và cấp bách. Các chính sách có tác động lớn như hạn chế phương tiện cá nhân tại một số tuyến phố nên được nghiên cứu kỹ và báo cáo Trung ương, ưu tiên sử dụng các công cụ kinh tế thay vì biện pháp hành chính. Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, giám sát giao thông thông minh và tổ chức hệ thống bến đỗ, tuyến giao thông công cộng tiện lợi cho người dân.