Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Internet
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng, khả năng lãnh đạo, tầm nhìn chiến lược dài hạn, khả năng thích ứng, ưu tiên chiến lược và sự đổi mới của chính quyền, Chính phủ là những yếu tố quan trọng để đánh giá hiệu quả và kết quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, trong quá trình nghiên cứu, hiệu quả điều hành của bộ máy nhà nước luôn được đặc biệt chú trọng. Liên quan đến việc hợp nhất một số Bộ, ngành, Tổng Bí thư cho rằng hiện nay chỉ có Việt Nam duy trì một số cơ quan không còn phù hợp với mô hình trong bối cảnh mới. Ông chỉ ra sự chồng chéo trong công tác quản lý, khi một số cơ quan cùng đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu và hoạch định các chính sách kinh tế, xã hội.
Tổng Bí thư đưa ra vấn đề: “Hiện thu – chi nước ngoài do một Bộ quản lý, còn nội địa thì một Bộ khác quản lý. Sao lại có chuyện vô lý như thế mà không điều chỉnh”.
Đồng thời, ông Tô Lâm đưa ra ví dụ minh họa từ một huyện tại Hà Nội, với số thu ngân sách gần 30.000 tỷ đồng trong một năm, tương đương với tổng ngân sách của một số tỉnh. Điều này cho thấy, mặc dù cấp huyện không có nguồn lực đất đai, tài nguyên như các tỉnh, nhưng vẫn có thể thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tạo ra nguồn thu lớn. Vì vậy, ông khẳng định cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, điều hành để các địa phương phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mình. Đồng thời, cần trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho lãnh đạo tỉnh, thành để đưa ra quyết định kịp thời và phù hợp với thực tế. Hệ thống luật pháp và quy định cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung để tạo ra môi trường thuận lợi, thông thoáng cho sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư. Chỉ có như vậy, các tỉnh, thành mới có thể phát triển nhanh chóng, bền vững và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, trước khi quyết định sắp xếp lại bộ máy nhà nước, có một số ý kiến đề xuất nên trì hoãn đến sau Đại hội Đảng nhiệm kỳ mới để tránh những va chạm và tâm tư không đáng có. Tuy nhiên, ông khẳng định: “Tôi bảo để sau Đại hội thì càng không làm được. Vừa Đại hội xong, vừa bầu, vừa biểu quyết thì ai làm khác được, rất khó khăn. Vì vậy, đây là thời cơ vàng của chúng ta. Làm xong thì bước vào Đại hội mới tính toán được”.
Những lập luận và dẫn chứng mà Tổng Bí thư đưa ra đã nhận được sự đánh giá cao từ dư luận, được cho là thiết thực và thuyết phục cả về lý luận và thực tiễn. Quá trình tinh gọn bộ máy nhà nước đang bước vào giai đoạn nước rút, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng và nỗ lực lớn hơn nữa để gạt bỏ những vướng mắc, khó khăn. Tất cả những nỗ lực này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và từng cán bộ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.