Ảnh minh họa. Ảnh: Báo PLVN
Để đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội xuân 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phối hợp chỉ đạo, thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phục vụ nhân dân đón Tết và vui xuân an toàn, bảo vệ sức khỏe.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc tuyên truyền các chế tài xử phạt và yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm, đồng thời công khai kết quả xử lý theo quy định. Bộ Y tế được giao chỉ đạo công tác cấp cứu, điều trị kịp thời cho các trường hợp ngộ độc thực phẩm, chuẩn bị đầy đủ phương án cấp cứu, giường bệnh và phương tiện điều trị, đặc biệt trong các sự kiện đông người hoặc khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm diện rộng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng có mức tiêu thụ cao trong dịp Tết và lễ hội xuân như: Giò, chả, rau, quả, thịt gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bộ Công thương cũng được yêu cầu đẩy mạnh kiểm soát sản xuất, kinh doanh và sử dụng rượu bia, đồng thời tăng cường kiểm tra, phòng chống thực phẩm giả và gian lận thương mại, chú trọng các mặt hàng tiêu dùng phổ biến trong dịp Tết và mùa lễ hội.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an và Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng công an, bộ đội biên phòng phối hợp chặt chẽ với hải quan, quản lý thị trường và các cơ quan liên quan để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi nhập khẩu thực phẩm trái phép qua biên giới, cũng như sản xuất, vận chuyển, buôn bán thực phẩm giả, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Thủ tướng cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam tham gia vào công tác truyền thông và giám sát các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm tại các khu dân cư, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố được yêu cầu tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về an toàn thực phẩm, đồng thời vận động người dân thay đổi những tập quán ăn uống lạc hậu trong dịp lễ hội, Tết Nguyên đán. Các khuyến cáo bao gồm không tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc hoặc chưa qua kiểm dịch. Tránh ăn tiết canh, thức ăn chưa được nấu chín, và các loại rượu tự ngâm không rõ nguồn gốc hoặc có nguy cơ gây ngộ độc từ methanol và độc tố. Đồng thời, không lạm dụng rượu bia trong những ngày lễ hội, Tết.
Các địa phương được yêu cầu đẩy mạnh công tác kiểm tra liên ngành nhằm đảm bảo thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, đặc biệt tăng cường kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao, các chợ đầu mối, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm như: Thịt, cá, mứt, bánh, kẹo, rượu,…
Công điện nêu rõ, các cơ sở vi phạm cần bị đình chỉ hoạt động ngay lập tức, đồng thời thu hồi và xử lý các sản phẩm thực phẩm không an toàn theo quy định.
Chính quyền các địa phương, đặc biệt là ở các đô thị lớn nơi có đông người tham gia lễ hội, cần tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các khu vực lễ hội Tết, xuân.