Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bên bức tranh đinh chỉ chân dung của mình.. Ảnh NVCC
Từ những chiếc đinh nhỏ và sợi chỉ mỏng manh, nghệ thuật string art (tranh đinh chỉ) đã tạo nên những tác phẩm đầy sáng tạo và ấn tượng. Dù chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam khoảng 10 năm gần đây, loại hình nghệ thuật này nhanh chóng thu hút giới trẻ nhờ sự kết hợp giữa kỹ thuật thủ công tỉ mỉ và tính nghệ thuật độc đáo.
Trong một ngày mưa phùn đầu xuân, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ nghệ sĩ trẻ Trần Ngọc Khôi, người đã tạo ra những tác phẩm tranh đinh chỉ độc đáo, thu hút sự chú ý của hàng nghìn người trên mạng xã hội thời gian gần đây.
Một trong những tác phẩm nổi bật của Ngọc Khôi là tranh chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được làm từ khoảng 5.000 chiếc đinh và 900m chỉ, cùng với tranh chân dung cầu thủ Nguyễn Xuân Sơn, được tạo nên từ hơn 2.000 chiếc đinh và 800m chỉ. Ngọc Khôi cho biết, cách đây 4 năm, khi tình cờ xem tác phẩm tranh dây của một nghệ sĩ Nhật Bản, anh đã bị cuốn hút ngay lập tức.
Mang trong mình đam mê nghệ thuật và khát khao khám phá những điều mới mẻ, anh tìm đến tranh đinh chỉ và nhanh chóng say mê. Trên hành trình ấy, anh may mắn gặp được những người đồng điệu, cùng nhau tạo nên một nhóm nhỏ gần 10 thành viên, hầu hết đều có nền tảng mỹ thuật và đang theo đuổi công việc liên quan đến thiết kế, sáng tạo.
Do chưa có cơ sở đào tạo chuyên sâu về tranh đinh chỉ tại Việt Nam, nhóm nghệ sĩ trẻ của Trần Ngọc Khôi đã tự mày mò, nghiên cứu qua nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Họ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, thảo luận kỹ thuật để cùng nhau trau dồi và nâng cao tay nghề.
Khi nói về quy trình tạo ra một tác phẩm tranh đinh chỉ, Ngọc Khôi chia sẻ rằng, công việc bắt đầu từ việc lên ý tưởng và phác thảo thiết kế, sau đó là việc đóng đinh lên bề mặt gỗ tại các điểm đã được xác định trước. Cuối cùng, chỉ được căng lên để hoàn thiện hình ảnh. Tuy nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế việc tạo ra một bức tranh đinh chỉ có thể mất từ vài ngày đến vài tháng, cần sự phối hợp của nhiều người. Vì mỗi sản phẩm đòi hỏi sự chính xác trong việc sắp xếp hàng nghìn chiếc đinh và hàng cây số chỉ.
Công đoạn khó khăn nhất trong quá trình tạo ra một bức tranh đinh chỉ là việc căn chỉnh và căng chỉ sao cho đều và đẹp. Chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể phá vỡ cấu trúc của tranh. Trong khi chiều sâu và độ sáng tối của bức tranh chủ yếu được tạo ra qua kỹ thuật căng chỉ, thì việc tạo điểm nhấn và hình thành cấu trúc tranh lại phụ thuộc vào cách đóng đinh. Nếu đóng đinh quá thưa, tranh sẽ thiếu đi sự chi tiết, còn nếu đóng quá sát, việc căng chỉ sẽ trở nên khó khăn và dễ tạo ra sự lộn xộn, chồng chéo.
Cả hai yếu tố này kết hợp với nhau để tạo ra sự tinh tế và sức sống cho tác phẩm, đòi hỏi người thực hiện phải có kỹ năng thành thạo và sự tập trung tuyệt đối. Bên cạnh đó, khả năng tưởng tượng và cảm nhận về không gian, màu sắc cũng là những yếu tố không thể thiếu trong quá trình sáng tác.
“Để đảm bảo tranh có độ bền và thẩm mỹ cao, chúng tôi lựa chọn loại đinh và chỉ đặc biệt. Đinh phải là loại nhỏ, chắc chắn, chống gỉ và có mũ tròn, trong khi chỉ phải bền, không dễ xù. Chúng tôi cũng khuyên khách hàng nên treo tranh ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp và môi trường ẩm ướt để bảo vệ màu sắc và cấu trúc của tranh”, Ngọc Khôi chia sẻ.
Trong số hàng trăm bức tranh mà nhóm đã thực hiện, bức tranh chân dung Phật Thích Ca có kích thước 80cm x 120cm có lẽ là tác phẩm cầu kỳ nhất. Đây cũng là đơn hàng lớn đầu tiên mà nhóm nhận được. Sau hơn 2 tháng nghiên cứu, thử nghiệm và sửa chữa, thậm chí tháo ra và đóng lại tới 7 lần, nhóm mới có thể hài lòng với chất lượng của bức tranh. Họ đặc biệt chú trọng đến từng chi tiết trong tranh chân dung đen trắng, từ ánh mắt, khóe miệng, nụ cười cho đến từng nếp nhăn, đường gân, tất cả đều được phân tích và xử lý tỉ mỉ, để tạo nên thần thái sắc nét cho nhân vật.
Tranh đinh chỉ mặc dù chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam trong khoảng 10 năm gần đây, nhưng sự độc đáo của nó đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các bạn trẻ. Có người chọn tranh chân dung, trong khi những người khác lại yêu thích vẽ tranh phong cảnh, tĩnh vật, linh vật, kiến trúc hoặc tranh chữ. Với tính ứng dụng cao trong trang trí không gian sống, làm quà tặng hoặc lưu giữ kỷ niệm, các tác phẩm tranh đinh chỉ không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn được quốc tế đón nhận.
Ngọc Khôi chia sẻ rằng, nhóm của anh chủ yếu nhận các đơn đặt hàng tranh chân dung để làm quà tặng cho bạn bè, người thân hoặc đối tác. Bên cạnh đó, nhóm cũng kinh doanh tranh đinh chỉ qua các kênh trực tuyến và cửa hàng nghệ thuật. Tùy thuộc vào kích thước, độ phức tạp và thời gian hoàn thành, mỗi bức tranh sẽ có giá khác nhau. Tranh đinh chỉ không chỉ là một xu hướng sáng tạo mới mẻ mà còn là sự kết hợp giữa kỹ thuật thủ công tỉ mỉ và tính nghệ thuật đặc sắc, dần khẳng định vị thế của mình và đóng góp vào sự phát triển đa dạng của ngành thủ công chất lượng tại Việt Nam.