Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Trong dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đề xuất quy định học phí các trường công lập theo một tỷ lệ phần trăm dựa trên mức thu nhập bình quân đầu người – yếu tố do Chính phủ quyết định. Đồng thời, Luật Giá cũng sẽ được điều chỉnh để đảm bảo sự công bằng giữa các cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục về mức thu học phí.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết rằng, trong quá trình sửa đổi Luật Giáo dục đại học, Nhà nước sẽ ban hành chính sách hỗ trợ tài chính và học bổng dành cho người học. Trong đó, đặc biệt ưu tiên đối tượng là sinh viên theo học các ngành nghề mũi nhọn, sinh viên vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.
Hiện nay, mức học phí của các trường đại học công lập được xây dựng dựa trên lộ trình đảm bảo chi phí dịch vụ giáo dục và đào tạo theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Theo đó, Nhà nước quy định mức trần học phí theo từng khối ngành và theo từng năm học; các cơ sở đào tạo không được phép thu vượt mức trần này. Đối với những chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng, các trường đại học được quyền tự xác định mức học phí phù hợp. Hiện trên cả nước có 264 cơ sở giáo dục đại học (bao gồm đại học và cao đẳng) với tổng số khoảng 2,3 triệu sinh viên. Trong đó có 64 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.
Trong thời gian qua, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều sinh viên gặp khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục đại học do điều kiện tài chính không cho phép. Tôi từng biết có một số sinh viên đã buộc phải từ bỏ ước mơ học đại học, chuyển hướng sang học hệ cao đẳng vì gia cảnh khó khăn, không đủ khả năng chi trả học phí. Đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo chắc chắn sẽ góp phần giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho sinh viên, đặc biệt là đối với những em xuất thân từ các gia đình có thu nhập thấp. Điều này đồng thời tạo ra cơ hội học tập công bằng hơn cho sinh viên đến từ mọi tầng lớp trong xã hội. Các bậc phụ huynh cũng sẽ bớt đi nỗi lo về chi phí học đại học của con em mình. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Bên cạnh đó, nếu cơ chế này được thông qua, các trường đại học cũng sẽ có điều kiện để nâng cao mức độ tự chủ tài chính. Các cơ sở đào tạo có thể linh hoạt điều chỉnh học phí sao cho phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của sinh viên. Đồng thời vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Chính sách này sẽ tạo động lực để các trường đầu tư và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội đang ngày càng phát triển.
Một số ý kiến cho rằng, bản chất của đề xuất này là thể hiện sự linh hoạt trong cơ chế điều chỉnh học phí theo diễn biến của tình hình kinh tế. Khi nền kinh tế phát triển và thu nhập bình quân đầu người tăng lên, học phí sẽ được điều chỉnh tương ứng để phản ánh thực tế. Ngược lại, trong những giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn, học phí sẽ không tăng đột biến. Từ đó giúp sinh viên không phải gánh thêm áp lực tài chính. Điều này sẽ góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống giáo dục đại học trong nhiều tình huống khác nhau và xây dựng một nền giáo dục phát triển bền vững.
Mặc dù quá trình triển khai có thể còn gặp một số thách thức nhất định, tuy nhiên, đề xuất tính học phí đại học theo thu nhập bình quân đầu người được đánh giá là một giải pháp công bằng và hợp lý. Đây được xem là một bước đi quan trọng trong tiến trình cải cách hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam.