Cần có những chính sách hỗ trợ phụ nữ tiếp cận công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng số. Ảnh: Hội LHPNVN
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG), từ hoàn thiện chính sách pháp lý đến nâng cao vai trò của phụ nữ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Để duy trì đà tiến bộ, cần có những chính sách chiến lược và hành động cụ thể.
Mới đây, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã công bố kết quả nghiên cứu “Đánh giá tổng thể về bình đẳng giới phục vụ phát triển bền vững” cho thấy, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ mở ra nhiều cơ hội, mà còn đặt ra những thách thức lớn đối với bình đẳng giới tại Việt Nam.
Trên phương diện pháp lý, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong việc tích hợp các nguyên tắc về BĐG vào hệ thống pháp luật quốc gia. Điều này tạo ra hành lang pháp lý vững chắc nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Trong suốt ba thập kỷ qua, nhiều chính sách và đạo luật quan trọng đã được ban hành hoặc sửa đổi, phù hợp với xu hướng tiến bộ toàn cầu như Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Hôn nhân và Gia đình (2014), Luật Phòng, chống buôn bán người (2011), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2022) và nhiều nghị định quan trọng khác.
Bên cạnh đó, các chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ, đặc biệt trong các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị đã được triển khai. Những chương trình này không chỉ giúp phụ nữ trau dồi kiến thức và kỹ năng về lãnh đạo, mà còn hỗ trợ phá vỡ các rào cản văn hóa và xã hội liên quan đến vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.
Tính đến hiện tại, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV (2021 – 2026) đạt trên 30%, mức cao nhất từ Quốc hội khóa VI trở lại đây. Các tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp tỉnh, huyện và xã đều tăng trưởng ổn định, lần lượt đạt 15,96%, 19,63% và 24,77% vào tháng 6/2024. Những bước tiến này đã giúp Việt Nam được bầu vào Hội đồng Chấp hành của UN Women nhiệm kỳ 2025 – 2027 – một cột mốc quan trọng trong hành trình tiếp tục thúc đẩy quyền lợi và bình đẳng giới cho phụ nữ.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, bình đẳng giới tại Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức do sự phát triển của công nghệ và thị trường lao động trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các chuyên gia cho rằng, sự bùng nổ công nghệ thông tin có thể mở ra nhiều cơ hội mới cho phụ nữ trong việc tiếp cận tri thức, cơ hội nghề nghiệp và khởi nghiệp. Tuy nhiên, nếu không được trang bị đủ kỹ năng và kiến thức để thích ứng với sự thay đổi này phụ nữ có thể bị tụt lại phía sau và gia tăng bất bình đẳng giới.
Theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Việt Nam cần tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ phụ nữ trong việc tiếp cận công nghệ và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng số. Điều này không chỉ giúp thu hẹp khoảng cách giới mà còn tận dụng tối đa tiềm năng của phụ nữ trong phát triển kinh tế – xã hội.
Cũng theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi, để thúc đẩy bình đẳng giới cần thay đổi nhận thức xã hội, đặc biệt là về vai trò của phụ nữ trong gia đình và cộng đồng. Các chiến dịch truyền thông phải được tăng cường để loại bỏ các định kiến giới và hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện.
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu giảm số giờ lao động không lương của phụ nữ trong công việc nội trợ xuống còn 1,7 lần so với nam giới vào năm 2025 và tiếp tục giảm xuống 1,4 lần vào năm 2030.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, song vẫn còn không ít thách thức cần được giải quyết. Để tiếp tục phát huy các thành tựu, việc duy trì và triển khai các chính sách có tính chiến lược về bình đẳng giới sẽ là yếu tố quan trọng. Các chương trình và hoạt động về bình đẳng giới cần được đẩy mạnh hơn nữa, không chỉ ở cấp chính sách mà còn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ giáo dục, kinh tế đến chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa bạo lực.
Việt Nam đang tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng một xã hội bình đẳng, nơi mọi phụ nữ và nam giới đều có cơ hội phát triển bình đẳng và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.