Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc. Ảnh: TTXVN
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế với những bước tiến vững chắc trong phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế và nâng cao uy tín trên trường quốc tế. Với đường lối đối ngoại chủ động, linh hoạt và chiến lược phát triển bền vững, đất nước đang từng bước hiện thực hóa khát vọng vươn tầm, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai.
Năm 2024, Bộ Ngoại giao cho biết, trong gần 60 hoạt động đối ngoại của các lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước, vấn đề kinh tế đã được ưu tiên hàng đầu, góp phần mang lại những kết quả thiết thực và cụ thể trong việc củng cố quan hệ quốc tế và thúc đẩy phát triển đất nước.
Thông qua các cuộc tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo Việt Nam, các doanh nghiệp quốc tế đã cảm nhận rõ cam kết mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam: “Đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện, đã thực hiện là có kết quả”. Điều này không chỉ giúp Việt Nam thu hút nguồn lực tài chính, mà còn khẳng định vị thế ngày càng vững mạnh của quốc gia trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, các tập đoàn lớn toàn cầu luôn tìm kiếm những quốc gia có môi trường đầu tư ổn định, thân thiện và chiến lược phát triển rõ ràng. Tại các diễn đàn quốc tế và các cuộc đối thoại với các tập đoàn hàng đầu thế giới, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhấn mạnh tinh thần hợp tác với các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo nguyên tắc bình đẳng “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, và khẩu hiệu “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển”.
Cuối tháng 9/2024, tại New York, trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79 và chuyến công tác tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước (nay là Tổng Bí thư) Tô Lâm đã tham dự một tọa đàm và khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là yếu tố thúc đẩy sự chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào cải cách và đổi mới thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cũng như nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, để họ có thể hoạt động hiệu quả tại Việt Nam.
Vào giữa tháng 11/2024, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC, Chủ tịch nước Lương Cường cũng khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc tạo ra môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới với nhiều tiềm năng, đồng thời tiếp tục thực hiện các cải cách quan trọng, tăng cường hội nhập quốc tế và thúc đẩy phát triển bền vững. Chủ tịch nước Lương Cường cam kết sẽ không ngừng hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, ổn định và phù hợp với các thông lệ quốc tế, với ba trụ cột chính: Mở cửa sâu rộng, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và phát triển các động lực kinh tế mới.
Theo Bộ Ngoại giao, trong năm 2024, các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt Đảng và Nhà nước đã đạt được kết quả đáng chú ý, với trọng tâm là thúc đẩy hợp tác kinh tế. Đặc biệt, các chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới các quốc gia như Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, UAE, Qatar, Saudi Arabia, Hungary, Romania, Dominica, cùng các chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc, Nga,… đã góp phần quan trọng vào việc ký kết hơn 170 thỏa thuận hợp tác.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Singapore vào đầu tháng 12/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo của nhiều tập đoàn lớn. Tại các cuộc tiếp xúc này, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng sự hiện diện của các doanh nghiệp Singapore và cam kết tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục và pháp lý để thúc đẩy đầu tư tại Việt Nam. Cũng tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nhiều cải cách quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật đã được thông qua, trong đó có việc sửa đổi 4 luật về đầu tư và 9 luật về tài chính nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và tháo gỡ các “điểm nghẽn”, tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, “Quốc hội Việt Nam sẽ đồng hành, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và các tập đoàn nước ngoài hoạt động hiệu quả và thành công tại Việt Nam”.
Việt Nam ghi nhận những thành tựu nổi bật trong việc thu hút dòng vốn FDI nhờ những cam kết mạnh mẽ và chính sách đầu tư thông thoáng. Theo số liệu mới nhất, trong năm 2024, Việt Nam đã thu hút hơn 38,23 tỷ USD vốn FDI. Đến nay, cả nước có tổng cộng 42.002 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký lên tới gần 502,8 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện đạt khoảng 322,5 tỷ USD, tương đương 64,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Việt Nam đã xây dựng được niềm tin vững chắc trong mắt các nhà đầu tư quốc tế nhờ vào những chính sách mở cửa và cải cách mạnh mẽ từ thể chế, pháp luật. Bên cạnh đó, khung pháp lý thuận lợi, môi trường vĩ mô ổn định và các gói hỗ trợ hấp dẫn, bao gồm ưu đãi thuế, miễn giảm chi phí đầu tư, cùng các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đã tạo ra một sức hút mạnh mẽ. Những yếu tố này đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của các tập đoàn lớn như Apple, Intel, Google, NVIDIA, Samsung, LG,… với việc đầu tư, mở rộng hoạt động và hợp tác tại thị trường này.