Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phụ nữ tham gia các hoạt động đào tạo để nâng cao năng lực sử dụng khoa học và công nghệ. Ảnh: HPNVN
Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, phụ nữ cần được trang bị kiến thức và kỹ năng để sử dụng hiệu quả các thiết bị số. Điều này không chỉ giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế của xã hội.
Tại Hội thảo “Bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ” do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 19/2, Tiến sĩ Vũ Thị Thanh – Viện nghiên cứu Con người đã đưa ra số liệu đáng báo động về khoảng cách giới trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ.
Theo số liệu năm 2022 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, 87,03% phụ nữ sở hữu điện thoại di động, thấp hơn nam giới (92,90%). Tình trạng này còn nghiêm trọng hơn ở các lĩnh vực công nghệ cao như hệ thống sản xuất tự động, máy móc nông nghiệp và hệ thống tưới tiêu thông minh, nơi tỷ lệ nam giới sử dụng thành thạo vượt trội so với nữ giới.
Sự chênh lệch này xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó nam giới thường sở hữu nhiều thiết bị số hơn, giúp họ có cơ hội làm quen và sử dụng thành thạo. Bên cạnh đó, định kiến giới khiến nhiều người nghĩ rằng nam giới sẽ phù hợp với việc tìm hiểu các thiết bị điện tử, trong khi phụ nữ không có niềm hứng thú với chúng.
Thực tế cho thấy, mặc dù phụ nữ là người đảm nhiệm phần lớn công việc nội trợ và chăm sóc gia đình, nhưng họ lại ít có cơ hội tiếp cận và sử dụng các thiết bị gia dụng hiện đại. Số liệu thống kê cho thấy chỉ có 8,3% phụ nữ sử dụng các thiết bị như máy rửa bát, robot lau nhà, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 12,5%. Điều này không chỉ làm hạn chế khả năng giải phóng sức lao động của phụ nữ mà còn ảnh hưởng đến việc họ tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Tiến sĩ Vũ Thị Thanh cho rằng, định kiến giới lâu đời là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự chênh lệch trong việc sử dụng công nghệ. Quan điểm phụ nữ không có khả năng học tập tốt trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật đã tạo ra rào cản, khiến họ ít có cơ hội và động lực để tìm hiểu, học hỏi về công nghệ. Đó là rào cản, gây khó khăn cho phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp và nâng cao vị thế kinh tế của họ.
Để phụ nữ có thể tận dụng tối đa những lợi ích từ sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ, cần tăng cường năng lực cho người phụ nữ, giúp họ sử dụng hiệu quả các thiết bị này trong đời sống và hoạt động kinh tế. Để làm được điều này cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ tham gia vào các hoạt động đào tạo chính thức hoặc không chính thức để nâng cao năng lực sử dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là năng lực số.
Để thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM), ngành Giáo dục cũng cần có những biện pháp cụ thể. Trước hết, cần thúc đẩy sự tham gia bình đẳng của cả nam và nữ vào các hoạt động, đồng thời các chương trình đào tạo STEM cần được xây dựng một cách nhạy cảm giới. Điều quan trọng nhất là cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để thay đổi những định kiến giới về khoa học, kỹ thuật và công nghệ, giúp cả phụ nữ và nam giới tự tin hơn trong việc học hỏi và ứng dụng các kiến thức này.