Thủ tướng Phạm Minh Chính dự diễn đàn kinh tế TP HCM 2024 lần thứ 5. Ảnh trong bài: T.G
Trải qua 50 năm kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Nhân dịp này, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy đã thực hiện tổng kết, đánh giá về sự ổn định chính trị và quá trình phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, khẳng định vị thế của Thành phố trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập.
Ban Tuyên giáo và Dân vận khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh không để xảy ra “điểm nóng” hay tình huống mất ổn định, ngay cả khi tình hình trong nước gặp nhiều khó khăn và thế giới có những diễn biến phức tạp. Đây không chỉ là thành tựu nổi bật mà còn là nguyên nhân và kết quả của quá trình phát triển, phản ánh năng lực lãnh đạo, sự kiên định và quyết tâm của Đảng bộ cũng như Nhân dân Thành phố trong việc thực hiện đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sự ổn định về chính trị, dựa trên nền tảng đảm bảo đời sống cho người dân, là cơ sở quan trọng giúp Thành phố Hồ Chí Minh dám nghĩ, dám làm, tiên phong cùng cả nước, vì cả nước, đồng thời nâng cao vai trò của Thành phố đối với cả nước và các đô thị lớn trong khu vực cũng như trên thế giới.
Về kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức cao. Đảng bộ Thành phố đã quán triệt, vận dụng linh hoạt và sáng tạo đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng, luôn bám sát thực tiễn, tìm tòi và thử nghiệm nhiều cơ chế, chính sách mới nhằm thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường.
Thành phố kiên trì thực hiện phương châm phát triển bền vững, gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường sống ngày càng tốt hơn cho người dân. Thành phố cũng từng bước chuyển từ mô hình phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, trong đó ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh ngày càng phổ biến. Đặc biệt, các lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ cao, sản xuất xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đồng thời trở thành trung tâm của các mô hình kinh doanh mới. Nhiều doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tài chính công nghệ thông qua nền tảng số, bao gồm dịch vụ tài chính cá nhân (quản lý tài sản kỹ thuật số, chuyển tiền), thanh toán số (mua hàng trực tuyến, thanh toán qua máy POS), tài chính thay thế (cho vay ngang hàng P2P), bảo hiểm trực tuyến và các dịch vụ ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm khác. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đã chuyển hướng nghiên cứu, phát triển sản xuất và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như phục vụ xuất khẩu.
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trọng gắn kết phát triển với công tác quy hoạch và quản lý đô thị, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Chính nhờ việc tập trung huy động các nguồn lực để triển khai quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông mà diện mạo Thành phố đã có những bước thay đổi đáng kể.
Nhiều tuyến giao thông quan trọng như các trục đường xuyên tâm, trục Bắc – Nam, đường vành đai, hệ thống metro, đường trên cao… đã và đang được đầu tư xây dựng nhằm tăng cường kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, các khu đô thị mới như Thủ Thiêm, khu đô thị cảng Hiệp Phước, khu đô thị Tây Bắc… cũng được quy hoạch và đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, hài hòa với tổng thể không gian của Thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang chú trọng triển khai các chương trình di dời và tái định cư cho các hộ dân sinh sống trên và ven kênh rạch, xây dựng nhà lưu trú dành cho công nhân, ký túc xá cho sinh viên cũng như nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Những nỗ lực này góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao chất lượng đô thị. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đầu tư mạnh mẽ vào các dịch vụ đô thị thiết yếu như cấp điện, cấp nước, hệ thống thoát nước, vệ sinh môi trường, xử lý nước thải và rác thải. Việc nâng cao nhận thức và thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đã tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển toàn diện của đô thị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đô thị đặc biệt, có sức hút và tác động lan tỏa mạnh mẽ trong khu vực cũng như trên cả nước.
Theo Ban Tuyên giáo và Dân vận, trong giai đoạn 1991 – 1995, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng ở mức 12,6%/năm. Tốc độ tăng trưởng trong các giai đoạn tiếp theo lần lượt là 10,1%/năm giai đoạn 1996 – 2000, 11%/năm giai đoạn 2001 – 2005, 11,4%/năm giai đoạn 2006 – 2010, 7,2%/năm giai đoạn 2011 – 2015 và 6,4%/năm giai đoạn 2016 – 2020. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nền kinh tế Thành phố tăng trưởng chậm lại, chỉ đạt 1,4% vào năm 2020 và suy giảm mạnh ở mức -6,78% vào năm 2021. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2021 – 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân ước tính đạt khoảng 5,3%/năm. Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, tăng trưởng bình quân của Thành phố dao động trong khoảng 7,7 – 7,9%/năm cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế.
GRDP bình quân đầu người của Thành phố Hồ Chí Minh liên tục tăng nhanh qua các năm, phản ánh sự phát triển kinh tế và nâng cao mức sống của người dân. Nếu như giai đoạn 1995 – 1996, con số này chỉ đạt 712 USD/người thì đến giai đoạn 1996 – 2000 đã tăng lên 1.004 USD/người. Trong các giai đoạn tiếp theo, mức GRDP bình quân đầu người tiếp tục được nâng cao, đạt 1.656 USD/người vào giai đoạn 2001 – 2005, 3.199 USD/người giai đoạn 2006 – 2010, 4.517 USD/người giai đoạn 2011 – 2013 và đến năm 2024 đã đạt 7.600 USD/người. Những con số trên cho thấy Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng phát triển, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.