Nhiều dự án sẽ kịp thông tuyến chính dịp 30/4 năm nay. Ảnh: Báo PLVN
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh vừa chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung hoàn thành và thông xe tuyến chính của bốn dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam, bao gồm: Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng, Bùng – Vạn Ninh, Vân Phong – Nha Trang. Đồng thời trong thời gian tới, sẽ đưa vào khai thác 20 km cao tốc Bến Lức – Long Thành (đoạn từ Quốc lộ 1A đến nút giao Nguyễn Văn Tạo) và hợp long cầu Rạch Miễu 2.
ông Lê Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Kinh tế – Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng) vừa có báo cáo về tình hình chuẩn bị đầu tư, tiến độ khởi công các dự án trong năm 2025 cũng như tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm. Báo cáo cũng đề cập đến hệ thống giao thông thông minh (ITS), trạm dừng nghỉ, trạm thu phí và công trình kiểm tra tải trọng xe.
Hiện nay, cả nước có 47 dự án đang triển khai thi công, bao gồm: 31 dự án đường bộ, 4 dự án đường thủy nội địa và hàng hải cùng 11 dự án đường sắt. Trong số này, 40 dự án cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra, trong khi 8 dự án thi công chậm. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa được thực hiện kịp thời.
Để thực hiện mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc theo chỉ đạo của Chính phủ vào năm 2025, dự kiến sẽ có khoảng 1.188 km được hoàn thành trong năm nay, chia thành 28 dự án và dự án thành phần, thuộc hai nhóm chính.
Nhóm một gồm 16 dự án và dự án thành phần với tổng chiều dài 786 km. Trong đó, Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư 14 dự án với 760 km, còn 2 dự án dài 26 km do các địa phương làm chủ đầu tư. Nhóm này có điều kiện thuận lợi hoặc các vướng mắc đã cơ bản được giải quyết. Đặc biệt, bốn dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam gồm Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng, Bùng – Vạn Ninh, Vân Phong – Nha Trang đã đăng ký khai thác tuyến chính vào dịp lễ 30/4 và hiện đang đáp ứng tiến độ thi công.
Nhóm hai gồm 12 dự án và dự án thành phần với tổng chiều dài 402 km. Các dự án này đang gặp khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp vật liệu xây dựng và yêu cầu tổ chức thi công liên tục “3 ca, 4 kíp” để kịp hoàn thành trong năm 2025.
Đối với các dự án do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư, dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu vẫn còn vướng mắc về mặt bằng và cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trước ngày 15/4/2025. Tại cao tốc Bắc – Nam đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau, nguồn vật liệu đắp còn hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nền đất yếu. Cụ thể, nhu cầu vật liệu là 58.000 m³/ngày, trong khi công suất khai thác thực tế chỉ đạt 35.000 m³/ngày.
Các dự án do địa phương làm chủ đầu tư cũng gặp một số trở ngại, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng. Những dự án đang chậm tiến độ gồm cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột qua tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk; cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang qua tỉnh Tuyên Quang. Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương quyết liệt triển khai công tác giải phóng mặt bằng và hoàn thành trước ngày 15/4/2025. Ngoài ra, một số vấn đề về vật liệu xây dựng cũng cần được giải quyết, như thủ tục chấp thuận cho thuê đất tại mỏ Ea Kênh phục vụ dự án Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (tại Đắk Lắk) chưa hoàn thành. Dự án Tuyên Quang – Hà Giang cũng đang thiếu vật liệu đất đắp và đá so với nhu cầu thực tế.
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường – nhà thầu thi công đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng cho biết, tuyến cao tốc này có tổng chiều dài 54,2 km với tổng mức đầu tư 9.734 tỷ đồng. Hiện nay, nhà thầu đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc và đang tập trung tăng ca, tăng kíp để kịp thông tuyến vào dịp lễ 30/4.
Bộ Xây dựng đã được giao kế hoạch vốn hơn 83.700 tỷ đồng và dự kiến sẽ tiếp tục được bổ sung trong thời gian tới. Một số chủ đầu tư đã đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của Bộ và đáp ứng kế hoạch đề ra, gồm Cục Đường bộ Việt Nam đã giải ngân hơn 10%, vượt 62 tỷ đồng so với cam kết; Ban Quản lý Dự án Hàng Hải đạt 13%, vượt 3 tỷ đồng; Đại học Xây dựng Miền Tây giải ngân đạt 27%; Đại học Kiến trúc Hà Nội giải ngân gần 16%; Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Bình giải ngân 29,5%.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư mặc dù có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của Bộ nhưng vẫn chưa đạt tiến độ đăng ký, như Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Dự án 7 và Ban Quản lý Dự án 6.
Ngược lại, một số đơn vị có kết quả giải ngân thấp hơn mức trung bình của Bộ, gồm Ban Quản lý Dự án 85, Ban Quản lý Dự án Thăng Long, Ban Quản lý Dự án 2, Ban Quản lý Dự án Đường sắt và Ban Quản lý Dự án Đường thủy.
Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Xây dựng) hiện đang rà soát nhu cầu giải ngân năm 2025 để tham mưu lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu là bổ sung vốn cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thành trong năm 2025.
Bộ Xây dựng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thông xe toàn tuyến cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, các dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh và Hữu Nghị – Chi Lăng đang phấn đấu thông xe tuyến chính vào cuối năm. Tuy nhiên, một số dự án như Tuyên Quang – Hà Giang và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn khối lượng công việc lớn. Để bảo đảm tiến độ, các bên liên quan cần tích cực phối hợp tháo gỡ các khó khăn về mặt bằng, vật liệu, nguồn lực, đồng thời tổ chức thi công khoa học, đảm bảo tiến độ yêu cầu.