Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua
Sáng ngày 20/12/2024, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo nhằm công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật quan trọng vừa được Quốc hội khóa XV thông qua trong kỳ họp thứ 8.
Luật được thông qua bao gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Di sản văn hóa; Luật Công chứng; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Công đoàn; Luật Dữ liệu; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người.
Buổi họp báo được chủ trì bởi Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, ông Phạm Thanh Hà. Đây là bước tiến quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, đảm bảo sự đồng bộ và đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới.
Luật Thuế giá trị gia tăng: Áp dụng thuế suất 5% đối với một số hoạt động
Một trong những nội dung nổi bật của đợt công bố là Luật Thuế giá trị gia tăng, bao gồm 4 chương và 18 điều, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Luật này bổ sung nhiều quy định mới nhằm mở rộng đối tượng áp dụng thuế suất ưu đãi 0%. Theo đó, hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu là hàng hoá cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và được tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc cung ứng trực tiếp cho tổ chức ở trong khu phi thuế quan và được tiêu dùng trong khi phi thuế quan phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất xuất khẩu sẽ áp dụng thuế suất 0%. Ngoài ra, sản phẩm nội dung thông tin số cung cấp cho nước ngoài cũng nằm trong diện ưu đãi, với điều kiện có hồ sơ chứng minh tiêu dùng ở ngoài Việt Nam theo quy định của Chính phủ.
Đặc biệt, một số mặt hàng như phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng biển; máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp theo quy định của Chính phủ và hoạt động nghệ thuật biểu diễn truyền thống, dân gian sẽ được áp dụng thuế suất 5%.
Sửa đổi loạt luật tài chính, ngân sách: Động lực thúc đẩy tăng trưởng
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính, gồm 11 điều, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Những thay đổi đáng chú ý bao gồm các quy định liên quan đến nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, vốn chủ sở hữu; các điều chỉnh về kiểm toán độc lập (có hiệu lực từ 1/1/2026); sửa đổi bổ sung Luật Ngân sách nhà nước (có hiệu lực từ năm ngân sách 2025). Đặc biệt, các nội dung mới về hộ kinh doanh trên nền tảng số sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2025.
Những sửa đổi này nhằm thể chế hoá các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; đơn giản hoá thủ tục hành chính và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xoá bỏ cơ chế xin – cho; khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển, lấy đầu tư công – nguồn lực do Nhà nước dẫn dắt kích hoạt hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp khác…
Luật Di sản văn hóa: Số hóa và phát triển bền vững
Luật Di sản văn hóa năm 2024, với 9 chương và 95 điều, được xem là bước tiến quan trọng trong việc khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành và bổ sung các quy định mới kịp thời ứng phó với các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Điểm đột phá của luật này là việc mở rộng các quy định liên quan đến phát huy giá trị di sản văn hóa, khai thác và sử dụng di sản. Bên cạnh đó, Luật còn đặt trọng tâm vào việc hợp tác công – tư, thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa. Điều này tạo thành cơ chế thu hút đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.
Luật cũng đồng bộ với các quy định pháp luật liên quan, triển khai các dự án phát triển kinh tế – xã hội tại khu vực di sản. Điều này không chỉ đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn di sản văn hoá và phát triển kinh tế xã hội, mà còn biến di sản thành nguồn lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, du lịch bền vững và công nghiệp văn hóa ở địa phương. Mặt khác, Luật có bổ sung các quy định liên quan đến chuyển đổi số, số hoá di sản văn hoá và phát huy giá trị di sản văn hoá trên môi trường kỹ thuật số.
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Nâng cao chất lượng quy hoạch
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, gồm 5 chương và 59 điều, tập trung vào việc hoàn thiện và cụ thể hoá 3 nội dung chính sách cơ bản. Các quy định mới trong luật này bao gồm: hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn, quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn.
Luật Công chứng: Nâng cao hiệu quả công tác công chứng
Luật Công chứng năm 2024, với 8 chương và 76 điều, mang đến nhiều thay đổi trong việc quản lý và thực hiện công chứng. Luật bổ sung các quy định mới về phạm vi công chứng và thẩm quyền của công chứng viên, quy định về các giao dịch phải công chứng; sửa đổi, bổ sung một số quy định về: công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, hành nghề công chứng, thủ tục công chứng giao dịch, cơ sở dữ liệu công chứng, lưu trữ hồ sơ công chứng. Đồng thời, quy định rõ hơn về quản lý nhà nước trong công chứng và thủ tục hành chính lĩnh vực công chứng.
Luật Công đoàn: Bảo đảm tài chính và quyền lợi lao động
Luật Công đoàn 2024, với 6 chương và 37 điều. Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật này là việc bảo đảm về tài chính công đoàn. Theo đó, Luật tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động. Đều này áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc mọi thành phần kinh tế, không phân biệt nơi đã hoặc chưa thành lập công đoàn. Đồng thời bổ sung quy định về xem xét miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng phí công đoàn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gặp khó khăn. Luật cũng nhấn mạnh quy định phân phối kinh phí công đoàn cho tổ chức lao động tại doanh nghiệp, bổ sung và làm rõ hơn các nhiệm vụ chi kinh phí công đoàn.
4 luật trên đều có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2025.
Luật Dữ liệu: Đặt nền tảng cho Chính phủ số
Luật Dữ liệu năm 2024, gồm 5 chương và 46 điều, hướng tới việc xây dựng, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội; cải cách thủ tục hành chính và phát triển Chính phủ số; phát triển kinh tế – xã hội và phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Một điểm nổi bật của Luật Dữ liệu năm 2024 là quy định về việc xây dựng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, được coi là bước đột phá trong quản lý và sử dụng dữ liệu. Cơ sở dữ liệu này sẽ phục vụ mục tiêu khai thác và sử dụng chung, đáp ứng nhu cầu hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội. Đồng thời, hỗ trợ hiệu quả trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, cũng như chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Không chỉ dừng lại ở đó, cơ sở dữ liệu còn đóng vai trò quan trọng trong công tác thống kê, hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu. Đây cũng là nền tảng để đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm, xử lý vi phạm pháp luật, đồng thời đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng dữ liệu của các tổ chức và cá nhân trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay.
Luật Phòng cháy, chữa cháy: Nâng cao trách nhiệm quản lý
Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024, với 8 chương và 55 điều, tập trung vào việc nâng cao trách nhiệm của chủ hộ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh và các tổ chức, chủ phương tiện giao thông, chủ đầu tư trong việc tự kiểm tra, kịp thời phát hiện nguy cơ mất an toàn, dễ gây cháy nổ tại cơ sở, hộ gia đình, phương tiện giao thông thuộc phạm vi quản hạt. Theo đó, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, UBND cấp xã, cơ quan Công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan đăng kiểm phải thực hiện kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Luật đã lược bỏ một số quy định về phòng cháy đối với 11 loại hình cơ sở đang được quy định trong Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành vì các cơ sở này đều có quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành hướng dẫn quy định về phòng cháy, chữa cháy. Lược bỏ quy định phòng cháy rừng; thanh tra phòng cháy, chữa cháy; tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động các cơ sở, phương tiện cơ giới, hộ gia đình và cá nhân không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn về phòng cháy chữa cháy. Những thay đổi này không chỉ giảm bớt gánh nặng quản lý mà còn đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Luật Phòng, chống mua bán người: Bảo vệ quyền lợi nạn nhân
Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024, với 8 chương và 63 điều, được xây dựng nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người; tạo sự nhận thực đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và xã hội trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ việc liên quan. Luật cũng bổ sung nhiều quy định về hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
3 luật trên đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Tin mới nhất
Hành lang pháp lý cho đặt cược thể thao
Cùng chuyên mục:
Văn hoá và Pháp luật - Cơ quan ngôn luận của Viện Nghiên Cứu Thông Tin – Chính Sách Văn Hóa Và Pháp Luật Việt Nam.
Tổng phụ trách: TS danh dự Bùi Hải Dính
Chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn Viện: PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ – nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, hiện là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
Cố vấn nội dung: Dương Văn Khá – Nguyên Chánh văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ
Chánh văn phòng: Nguyễn Lan Phương
Ban biên tập: Nguyễn Thị Ngọc Bích
Links nhanh
Liên hệ hợp tác
Địa chỉ: Số 164, Phố Hồng Mai, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0919458681
Email: tapchi@vanhoaphapluat.vn
Tìm đường
©2024 Bản quyền thuộc Viện Nghiên Cứu Thông Tin – Chính Sách Văn Hóa Và Pháp Luật Việt Nam.