Đẩy mạnh tiêu dùng nội địa để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025. Ảnh: Báo PLVN
Trong bối cảnh xuất khẩu sụt giảm và đầu tư nước ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc chuyển dịch động lực tăng trưởng sang đầu tư và tiêu dùng nội địa đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Đây được xem là giải pháp chiến lược để giữ vững đà tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2025.
PGS.TS Phạm Thế Anh nhận định, trong bối cảnh đầu tư nước ngoài có thể bị ảnh hưởng bởi các chính sách quốc tế, việc đẩy mạnh đầu tư trong nước – gồm cả đầu tư công và tư nhân là hướng đi khả thi và cần thiết.
Theo số liệu mới nhất, giải ngân đầu tư công trong quý I/2025 đạt khoảng 116,8 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước – một tín hiệu tích cực cho thấy nỗ lực điều hành quyết liệt từ Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Mục tiêu tiếp tục khai thông dòng vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư nhân vẫn đang được thúc đẩy.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tích cực điều tiết dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Gói tín dụng hỗ trợ ngành thủy sản đã được mở rộng nhờ hiệu quả giải ngân tích cực, trong khi chương trình tín dụng dành cho Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao cũng được triển khai mạnh mẽ. Riêng Agribank cam kết cung cấp 30.000 tỷ đồng cho chương trình này. NHNN khẳng định sẵn sàng nới hạn mức tín dụng nếu thực tiễn phát sinh nhu cầu.
Bên cạnh đó, gói tín dụng quy mô khoảng 500 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số cũng đang được nhiều ngân hàng triển khai. Mức lãi suất thấp hơn khoảng 1% so với mặt bằng chung của thị trường.
Không chỉ tập trung hỗ trợ các lĩnh vực then chốt, hệ thống ngân hàng còn tích cực áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế quan từ Mỹ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn, giảm lãi suất và một số loại phí liên quan.
Trong khi XK gặp trở ngại, việc kích cầu tiêu dùng trong nước trở thành chiến lược quan trọng. Bộ Công Thương đã đặt mục tiêu tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ lên khoảng 12% trong năm 2025. Tuy nhiên, quý I chỉ ghi nhận mức tăng 9,9% so với cùng kỳ, thấp hơn kỳ vọng. Nếu loại trừ yếu tố giá thì mức tăng thực chỉ đạt 5,5%.
Trước thực tế tăng trưởng tiêu dùng chưa đạt kỳ vọng, Bộ Công Thương dự kiến điều chỉnh thời điểm tổ chức Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia thay vì chỉ diễn ra vào cuối năm như thường lệ. Theo kế hoạch, chương trình năm nay có thể khởi động sớm từ tháng 6–7 và kéo dài đến cuối năm nhằm kích thích sức mua trong nước, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nội địa và góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
Đồng thời, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng được gia hạn đến hết năm 2026 tiếp tục đóng vai trò là một công cụ quan trọng trong việc kích cầu tiêu dùng bền vững. Biện pháp này không chỉ giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất ổn định và dài hạn.