Thí sinh đặt câu hỏi tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2025 tại Hà Nội. Ảnh: PV
Trước những thay đổi về tổ hợp xét tuyển của nhiều trường đại học, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh quy chế tuyển sinh năm 2025 theo hướng linh hoạt hơn. Thông tin này được Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn công bố tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp và dự kiến quy chế sẽ được chính thức ban hành trong tháng 3.
Không giới hạn tổ hợp, xét học bạ cả năm lớp 12
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng khi lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính thức bước vào kỳ thi.
Về những điểm mới trong xét tuyển đại học, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT lưu ý rằng, thí sinh xét tuyển bằng học bạ THPT cần đặc biệt chú ý đến sự điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh năm nay. Thay vì chỉ xét điểm học kỳ 1 lớp 12 như trước đây, các trường sẽ xét kết quả học tập của cả năm học lớp 12. Do đó, việc duy trì thành tích học tập ổn định trong suốt năm học là yếu tố quan trọng giúp thí sinh nâng cao cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học.
Để bảo đảm sự công bằng trong cơ hội xét tuyển giữa các thí sinh ở các vùng miền khác nhau, Bộ GD&ĐT không giới hạn các tổ hợp môn xét tuyển. Điều này đồng nghĩa với việc, ngoài các tổ hợp xét tuyển truyền thống, các cơ sở đào tạo có thể tạo ra thêm những tổ hợp xét tuyển mới phù hợp với chương trình đào tạo của mình.
Trả lời những băn khoăn của học sinh về nguyện vọng xét tuyển, phương thức xét tuyển và việc quy đổi điểm về thang điểm chung, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng giải thích rằng, trong đợt xét tuyển đại học năm nay, thí sinh có thể đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng, nhưng phải xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT sẽ không phân biệt giữa các phương thức xét tuyển. Số lượng phương thức xét tuyển sẽ phụ thuộc vào tổng số phương thức mà các cơ sở đào tạo đưa ra trong đề án tuyển sinh của mình. Thí sinh không cần phải đăng ký phương thức xét tuyển, mà chỉ cần đăng ký ngành xét tuyển, điều này giúp thí sinh tập trung vào ngành học mà mình thực sự đam mê và phù hợp với năng lực.
Về vấn đề quy đổi điểm giữa các phương thức xét tuyển khác nhau, ông Dũng cho biết đây là một vấn đề kỹ thuật nhằm bảo vệ quyền lợi cho thí sinh. Các cơ sở đào tạo và Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp xây dựng phương án quy đổi điểm để đảm bảo công bằng. Thí sinh sẽ được cung cấp thông tin về quy đổi điểm này một cách công khai trước khi tiến hành đăng ký xét tuyển.
Chính thức giữ nguyên lịch thi tốt nghiệp THPT 2025
Ngày 20/3, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ký văn bản gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Nghệ An và Quảng Trị thông báo về thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025. Bộ GD&ĐT ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động của các Sở GD&ĐT trong việc đề xuất điều chỉnh lịch thi nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế tại địa phương và các yếu tố cụ thể khác.
Sau khi xem xét các yếu tố liên quan, Bộ GD&ĐT quyết định giữ nguyên lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2025 như đã công bố trong kế hoạch năm học 2024 – 2025, theo Quyết định 2045/QĐ-BGDĐT ngày 1/8/2024. Việc giữ nguyên lịch thi như đã thông báo từ trước sẽ giúp ổn định tâm lý cho học sinh và phụ huynh, đồng thời không làm ảnh hưởng đến các hoạt động khác trong ngành giáo dục.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để triển khai kế hoạch năm học 2024 – 2025, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đúng theo kế hoạch đã đề ra, bảo đảm an toàn, nghiêm túc và tuân thủ đúng quy định.
Theo kế hoạch đã công bố, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ diễn ra trong hai ngày 26 và 27 tháng 6. Thí sinh sẽ tham gia thi 4 môn, bao gồm: Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong các môn còn lại, gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học và Công nghệ.