Bệnh nhân bị cúm cấp cứu phải sử dụng máy thỏ. Ảnh: BVCC
Trong những ngày gần đây, số ca mắc cúm tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tăng lên một cách nhanh chóng, gây ra tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trung ương. Nhiều bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, với các vấn đề về hô hấp nghiêm trọng, thậm chí cần đến sự hỗ trợ của máy thở và can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).
Ông L.V.T (58 tuổi, sống tại Sơn Dương, Tuyên Quang) có tiền sử bệnh cao huyết áp không được điều trị đều đặn và 30 năm hút thuốc (đã bỏ cách đây 10 năm).
Khoảng 3 tuần trước khi nhập viện, ông bắt đầu ho, sốt và khó thở nhưng tự điều trị tại nhà không khỏi. Khi đến bệnh viện, ông được xác nhận dương tính với cúm A.
Bệnh tình của ông trở nặng, khó thở đến mức phải sử dụng ống nội khí quản.
Phổi của ông bị tổn thương nghiêm trọng, suy hô hấp nặng, ứ đọng CO2 và mất chức năng thông khí. Các bác sĩ đã phải sử dụng ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể).
Sau khi được can thiệp ECMO, các chỉ số của ông T. đã ổn định hơn, nhưng tình trạng sốc và nhiễm trùng vẫn cần sự theo dõi sát sao.
Ông V.V.U (62 tuổi, Đông Triều, Quảng Ninh) có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nhưng không được theo dõi và điều trị thường xuyên.
Ba ngày trước khi nhập viện, ông U. xuất hiện các triệu chứng sốt, ho và khó thở ngày càng tăng. Gia đình đã đưa ông đến bệnh viện cấp cứu. Sau hai ngày, tình trạng suy hô hấp của ông trở nên nghiêm trọng hơn, buộc phải đặt ống nội khí quản. Kết quả xét nghiệm cho thấy ông dương tính với cúm A và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Sau hai tuần điều trị tại bệnh viện, tình trạng của ông U. vẫn rất nguy kịch. Ông hiện vẫn phải thở bằng ống nội khí quản và ăn qua ống thông dạ dày.
Thạc sĩ, bác sĩ Võ Đức Linh từ Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh cúm, đặc biệt là cúm A, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Virus cúm tấn công trực tiếp vào phổi, làm cho những người có tổn thương phổi từ trước dễ bị bệnh nặng hơn so với người khỏe mạnh.
Bác sĩ Linh cũng cho biết, ông U. bị suy hô hấp rất nhanh, chỉ trong vòng 2-3 ngày, khiến ông phải đặt ống nội khí quản ngay lập tức.
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm, nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh đã tăng đột biến trong những ngày đầu năm.
Cô H. (60 tuổi, ngụ tại TP. HCM), cho biết: “Mới nhận tiền lì xì nên thấy trung tâm mở cửa lại là tôi đi tiêm ngay. Những ngày qua đọc báo thấy lo lắng, lớn tuổi rồi, hệ hô hấp yếu nên phải tự bảo vệ mình. Tiêm xong tôi còn gọi điện cho bạn bè để rủ đi tiêm cùng”.
Tại Trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu, số lượng người tiêm vaccine cúm và phế cầu đã tăng gấp đôi so với trước đây. Đại diện trung tâm này cho biết, dù dịp đầu năm bận rộn với việc chuẩn bị Tết, lượng khách đến tiêm chủng vẫn tăng 5% so với các tháng cuối năm. Đặc biệt, nhóm vaccine cúm và phế cầu tăng trưởng mạnh mẽ gấp 2 lần trong vòng 1-2 tháng qua.
Không chỉ trẻ em mà cả người lớn, đặc biệt là người có bệnh nền, cũng tăng cường tiêm vaccine. Trước những thông tin về dịch bệnh và các ca tử vong do cúm, nhiều người lớn tuổi đã tự giác đến các trung tâm tiêm chủng để phòng bệnh.
Với tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, việc chủ động tiêm phòng không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn góp phần giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng.