Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam từng trải qua bạo lực giới lên tới 62,9%, cho thấy đây vẫn là thách thức lớn dù Chính phủ đã nỗ lực triển khai nhiều chiến lược về bình đẳng giới. Để giải quyết hiệu quả vấn đề này, cần kết hợp các chính sách pháp luật với việc đẩy mạnh truyền thông, thay đổi nhận thức xã hội và xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ.
Ngôi nhà Ánh Dương – Thắp sáng ngọn lửa bình đẳng giới
Ngày 9/1/2025, Ngôi nhà Ánh Dương thứ 5 tại Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động tại tỉnh Hòa Bình với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA).
Cũng như bốn trung tâm trước đó, Ngôi nhà Ánh Dương tại Hòa Bình được trang bị đầy đủ các dịch vụ thiết yếu, tích hợp, nhằm cung cấp một môi trường an toàn và hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ, trẻ em gái đang hoặc có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình.
Không chỉ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo hành, Trung tâm còn mở rộng đối tượng phục vụ đến người khuyết tật và cộng đồng các dân tộc thiểu số. Với đầy đủ các dịch vụ từ chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý đến hỗ trợ pháp lý, Trung tâm trở thành một điểm đến tin cậy cho cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề bạo lực giới. Ông cho biết: “Bên cạnh việc ban hành quy chế phối hợp liên ngành, UBND tỉnh sẽ tăng cường truyền thông qua nhiều kênh khác nhau để mọi người hiểu rõ hơn về quyền của phụ nữ và trẻ em cũng như vai trò của Ngôi nhà Ánh Dương”.
Ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH cũng chia sẻ: “Việc khai trương Ngôi nhà Ánh Dương tại Hòa Bình là một tin vui đối với cộng đồng, đặc biệt là những phụ nữ và trẻ em gái đang phải đối mặt với bạo lực. Với các dịch vụ tích hợp, Ngôi nhà Ánh Dương sẽ trở thành một điểm tựa vững chắc, giúp nạn nhân nhanh chóng vượt qua khó khăn”.
Ông Lương nhấn mạnh, từ ngôi nhà đầu tiên tại Quảng Ninh, đến nay mạng lưới Ngôi nhà Ánh Dương đã không ngừng mở rộng, phủ sóng khắp cả nước. Qua những kết quả ban đầu, có thể thấy rõ tiềm năng to lớn của mô hình này. Việc mở rộng mạng lưới các ngôi nhà không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là một minh chứng cho sự quyết tâm của toàn xã hội trong việc xóa bỏ bạo lực giới. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mong muốn sẽ sớm có thêm nhiều “Ngôi nhà Ánh Dương” trên cả nước.
Tuyên truyền giúp đối tượng gây ra bạo lực thay đổi nhận thức và hành vi
Các báo cáo đã cho thấy rằng truyền thông và các hoạt động cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn bạo lực giới. Tại Đà Nẵng, Hội LHPN thành phố đã xây dựng nhiều mô hình, địa chỉ đáng tin cậy, giúp phụ nữ tự bảo vệ mình và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết.
Bà Hoàng Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội LHPN TP Đà Nẵng cho biết, nhờ các chiến dịch truyền thông và sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng chức năng, nhận thức của nam giới về bình đẳng giới đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều người đàn ông đã chủ động chia sẻ công việc, thể hiện trách nhiệm và vai trò của mình trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình.
Từ tháng 10/2019 đến tháng 9/2022, Tổ chức HAGAR International tại Việt Nam đã thực hiện dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân trong việc cải thiện tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” mở rộng trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Yên Bái.
Ông Hồ Diên Cảnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết, tại địa phương có một người đàn ông có ba vợ và cả ba người đều phải chịu bạo lực gia đình từ người chồng.
Ông Cảnh cho biết, sau khi tham gia các buổi tập huấn và xem những thước phim về hậu quả của bạo lực gia đình, người chồng này đã nhận ra lỗi lầm, ân hận sâu sắc khi nhận thấy hình ảnh của mình trong những câu chuyện đó. Từ một người đàn ông hay đánh đập vợ con, anh đã hoàn toàn thay đổi, giờ đây chăm chỉ làm ăn, không còn rượu chè và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Ông Cảnh, người đã giúp đỡ anh chia sẻ rằng dù đã xử phạt hành vi trên nhưng ông vẫn không kỳ thị. Ông hiểu rằng người đàn ông này cũng từng là nạn nhân của bạo lực gia đình và những trải nghiệm đau khổ trong quá khứ đã ảnh hưởng đến hành vi của anh ta.