Khuôn viên Đại học Hanyang, Hàn Quốc. Ảnh: Hanyang University Fanpage
Ở Hàn Quốc, tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng tại các doanh nghiệp. Thế nhưng, nhiều du học sinh, kể cả những người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ vẫn đang chật vật tìm việc làm. Thậm chí, không ít người phải chấp nhận làm những công việc không đúng chuyên ngành, chẳng hạn như biên dịch.
Một cựu sinh viên Việt Nam từng du học tại Hàn Quốc đã chia sẻ về trải nghiệm đáng thất vọng của mình khi phần lớn thời gian thực tập chỉ làm những công việc không liên quan đến chuyên ngành, chỉ vì anh là người nước ngoài. “Tôi được tuyển vào vị trí thực tập sinh kỹ sư phần mềm, nhưng ngay sau đó lại bị chuyển sang bộ phận kinh doanh toàn cầu, chuyên xử lý các vấn đề liên quan đến Việt Nam”, anh cho biết.
Nhiều du học sinh cũng gặp phải tình cảnh tương tự khi họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội làm việc đúng chuyên ngành. “Tôi chỉ được giao nhiệm vụ biên dịch và chuẩn bị biên bản cuộc họp. Mặc dù tôi đã nhiều lần yêu cầu người giám sát giao cho tôi những công việc liên quan đến chuyên môn, nhưng mọi thứ vẫn không thay đổi”, một sinh viên người Myanmar chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến vào cuối năm ngoái.
Với mong muốn được học hỏi và phát triển bản thân trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp và hiện đại, một thạc sĩ sinh thái học từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cũng đã chuyển đến công tác tại một viện nghiên cứu lâm nghiệp của Hàn Quốc. Thế nhưng thay vì được tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học, anh lại chỉ được giao nhiệm vụ dịch thuật.
Theo kết quả khảo sát của Bộ Giáo dục Hàn Quốc năm ngoái trên 1.200 sinh viên quốc tế (trong đó có khoảng 1/3 là người Việt Nam) có đến 42% bày tỏ mong muốn được làm việc tại Hàn Quốc sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, 57% trong số 98 công ty Hàn Quốc tham gia khảo sát cũng cho biết họ sẵn sàng tuyển dụng nhân viên nước ngoài do gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân tài trong nước.
Tuy nhiên, số liệu thống kê từ Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc năm 2022 cho thấy chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (6%) sinh viên nước ngoài có thể tìm được việc làm tại Hàn Quốc sau khi tốt nghiệp thông qua thị thực E-7-1. Theo Viện Phát triển Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc, tỷ lệ tìm được việc làm của nhóm du học sinh có trình độ tiến sĩ trong lĩnh vực STEM là khoảng 30%.
Theo Casimir Agossou, một doanh nhân đến từ Cộng hòa Benin và là người sáng lập dịch vụ hỗ trợ việc làm cho du học sinh Assist-me tại Hàn Quốc, nhiều công ty Hàn Quốc còn e ngại trong việc tuyển dụng nhân viên nước ngoài do những thủ tục hành chính phức tạp và yêu cầu bảo lãnh thị thực lao động. Ngoài ra, các ứng viên nước ngoài thường gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu về ngôn ngữ cũng như thiếu sự hiểu biết về văn hóa và môi trường làm việc tại Hàn Quốc.
Trong bối cảnh Hàn Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến, nhiều ý kiến cho rằng chính phủ cần tăng cường hỗ trợ để thu hút và giữ chân các chuyên gia quốc tế. Theo Đại biểu Choi Soo-jin thuộc Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền, việc thu hút nhân tài nước ngoài là rất quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghệ mũi nhọn như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Bà nhấn mạnh rằng chính phủ không chỉ cần tạo ra các chính sách hấp dẫn để thu hút nhân tài mà còn phải đảm bảo các chuyên gia này có việc làm ổn định và cuộc sống thoải mái tại Hàn Quốc.
Theo Jang Hye-jin, người đứng đầu một nền tảng tư vấn việc làm cho người nước ngoài: “Các doanh nghiệp cũng cần thay đổi quan điểm của mình, tạo ra nhiều cơ hội thực tập hơn cho sinh viên quốc tế để họ có thể tích lũy kinh nghiệm làm việc ngay từ khi còn học tập”.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã cam kết hỗ trợ sinh viên quốc tế tìm kiếm việc làm và cơ hội định cư tại Hàn Quốc. Các hoạt động hỗ trợ bao gồm việc nâng cao chất lượng thông tin việc làm và dịch vụ tư vấn trên trang web Study in Korea, hợp tác chặt chẽ với nền tảng K-Work do Bộ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Khởi nghiệp Hàn Quốc khởi xướng. Bên cạnh đó, Bộ cũng dự định phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức các hội chợ việc làm, tạo cầu nối giữa sinh viên quốc tế và các doanh nghiệp thông qua chương trình RISE, một chương trình trọng điểm nhằm cải cách hệ thống giáo dục đại học và thúc đẩy đổi mới tại các địa phương.