Dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa. Ảnh: Báo PLVN
Quảng Trị tập trung phát triển kinh tế, thu hút đầu tư vào các dự án điện gió và năng lượng mặt trời, mục tiêu đưa địa phương trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung.
Biểu tượng của ngành năng lượng tái tạo Việt Nam
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng khẳng định mục tiêu biến Quảng Trị thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Điều này không chỉ nằm trong quy hoạch tổng thể của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 mà còn được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt vào cuối năm 2024.
Năm 2020, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung đã được nhắc đến trong Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 16/10/2020. Dù chưa thực sự rõ nét, nhưng Nghị quyết này đã thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc phát triển công nghiệp năng lượng, hướng tới mục tiêu năm 2030 trở thành trung tâm năng lượng của khu vực.
Quảng Trị đã nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư năng lượng, hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Xu hướng toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng luôn hướng tới năng lượng sạch, điều kiện tự nhiên ưu đãi với nắng và gió dồi dào cùng với sự cởi mở, hỗ trợ của chính quyền, người dân địa phương đã tạo nên sức hút đặc biệt cho vùng đất này.Dựa trên tiềm năng và tình hình hiện tại, Quảng Trị đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ hòa vào lưới điện quốc gia 3.000MW, đến năm 2030 đạt khoảng 9.000 – 10.000MW. Mặc dù vậy, kết quả thực tế lại không được như mong đợi, tính đến nay toàn tỉnh Quảng Trị mới chỉ có 1.119,5MW được kết nối vào lưới điện quốc gia. Trong số đó, điện gió chiếm 742,2MW; điện mặt trời là 119,6MW; thủy điện là 167,5MW và điện mặt trời trên mái nhà là 90,2MW. Nguyên nhân chính khiến mục tiêu chưa đạt được là do sau một thời gian “tăng tốc” xây dựng và lắp đặt, một số dự án quy mô lớn đầu tư vào ngành điện bị chậm tiến độ, một số khác gặp phải khó khăn và đã phải tạm ngừng hoạt động
Đại diện UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ ra một số khó khăn trong việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Hiện tại, tỉnh có 11 dự án điện gió với tổng công suất 424MW và 7 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 93MW đang được đầu tư. Tuy nhiên, một số dự án trong số này đang gặp phải vướng mắc, chẳng hạn như dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 4 đã hoàn thành lắp đặt nhưng chưa được phép đấu nối vào lưới điện quốc gia để vận hành.
Hiện thực hoá mục tiêu, trở thành “trung tâm năng lượng miền Trung”
Tại Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo tổ chức cuối năm 2024, Quảng Trị đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết mọi khó khăn hiện tại để các dự án sớm đi vào hoạt động. Đồng thời, tỉnh cũng đề xuất bổ sung thêm công suất điện gió trên bờ và ngoài khơi để tận dụng tối đa tiềm năng của địa phương.
Chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đã thổi một luồng gió mới vào các dự án năng lượng tái tạo tại Quảng Trị. Yêu cầu các cấp, các ngành chủ động, quyết liệt giải quyết dứt điểm các vướng mắc đang tồn đọng. Nhiều ý kiến cho rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các dự án năng lượng tái tạo tại Quảng Trị sẽ sớm được tăng tốc và đi vào hoạt động.Theo đại diện UBND tỉnh, việc xây dựng Quảng Trị thành trung tâm năng lượng của miền Trung không chỉ là một mục tiêu kinh tế – xã hội mà còn là khát vọng và nỗ lực hướng tới sự phát triển bền vững. Quảng Trị đã cho thấy khả năng biến “điều không thể” thành “có thể” khi khai thác tiềm năng to lớn từ nắng và gió. Dựa trên những thành công đã đạt được, nhiều người tin rằng những thách thức hiện tại trong các dự án năng lượng tái tạo sẽ sớm được tháo gỡ, đưa Quảng Trị tiến tới mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung.