“Du lịch chữa lành” ở Việt Nam đang được nâng tầm chất lượng, dịch vụ nhờ áp dụng công nghệ số. Ảnh: CT
Sau đại dịch COVID-19, “du lịch chữa lành” nổi lên như một xu hướng mới, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng gắn liền với chăm sóc sức khỏe tinh thần. Với lợi thế thiên nhiên đa dạng cùng sự hỗ trợ của công nghệ số, Việt Nam đang từng bước khai thác tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này.
Gần đây, câu chuyện về một người đàn ông Hàn Quốc từ bỏ mức thu nhập hơn 6 triệu won mỗi tháng (khoảng 100 triệu đồng) để sang Việt Nam mở quán thịt nướng đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Lần đầu đặt chân đến Việt Nam vào năm 2009, anh J nhanh chóng bị chinh phục bởi ẩm thực phong phú, con người thân thiện và văn hóa độc đáo. Dù từng du lịch qua nhiều quốc gia châu Âu và châu Á, nhưng chỉ ở Việt Nam, anh mới tìm thấy cảm giác bình yên và hạnh phúc thực sự. Chính điều đó đã thôi thúc anh quyết định rời bỏ công việc ổn định, chuyển đến Việt Nam sinh sống và khởi nghiệp với quán thịt nướng trong vài năm trở lại đây. Nó
Không chỉ riêng câu chuyện của anh J, du lịch Việt Nam đang dần khẳng định vị thế trên bản đồ quốc tế với những mô hình độc đáo và giàu giá trị trải nghiệm. PGS.TS Phạm Hồng Long – Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, sau đại dịch COVID-19, xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe ngày càng phát triển mạnh mẽ. Với lợi thế thiên nhiên đa dạng, phong cảnh nên thơ và nhiều vùng đất còn giữ nguyên nét hoang sơ, Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho những chuyến nghỉ dưỡng, tái tạo năng lượng và giảm căng thẳng.
Các mô hình “du lịch chữa lành” tại Việt Nam ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe của du khách. Đáng chú ý, du lịch MICE – kết hợp giữa hội họp và nghỉ dưỡng đang được nhiều khu resort đầu tư khai thác, đi kèm với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên sâu. Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp cũng mang lại giá trị chữa lành tinh thần rõ nét, khi du khách có cơ hội hòa mình vào không gian văn hóa bản địa, trải nghiệm các hoạt động như thăm miệt vườn, làng nghề truyền thống hay tham gia lao động nông nghiệp cùng người dân địa phương.
Đặc biệt, chuyển đổi số đang trở thành yếu tố quan trọng giúp nâng cao trải nghiệm du lịch. Theo ông Hồ An Phong – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 đánh dấu sự phục hồi ấn tượng của ngành du lịch, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế – xã hội. Việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) và các nền tảng thông minh không chỉ tối ưu hóa dịch vụ mà còn tạo động lực mạnh mẽ giúp ngành du lịch phát triển nhanh chóng và bền vững hơn.
Khảo sát của trang web du lịch nổi tiếng Thrillist năm 2024 cho thấy, 68% giới trẻ có xu hướng tránh xa những điểm đến đông đúc, thay vào đó là tìm đến các “viên ngọc ẩn” – những địa danh hoang sơ, chưa được khai thác nhiều để tận hưởng không gian thư giãn trọn vẹn. Dữ liệu từ Agoda cũng chỉ ra rằng, 65% du khách Việt Nam có nhu cầu nghỉ dưỡng, trong đó 78% cho biết họ sẽ sử dụng các ứng dụng công nghệ để hỗ trợ lên kế hoạch cho chuyến đi.
Đối với loại hình “du lịch chữa lành”, du khách thường ưu tiên lựa chọn những địa điểm vắng vẻ, yên tĩnh để tìm kiếm sự riêng tư và thư thái. Việc ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) trong hành trình du lịch không chỉ giúp họ dễ dàng tìm kiếm điểm đến phù hợp, mà còn tối ưu hóa việc tổ chức, quản lý lịch trình, mang lại trải nghiệm thuận tiện và trọn vẹn hơn.
Hiện nay, nhiều địa phương tại Việt Nam đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực du lịch, tạo ra những sản phẩm mới mẻ và giàu tính trải nghiệm. TP Hồ Chí Minh phát triển ứng dụng du lịch thông minh và mô phỏng thành phố bằng công nghệ 3D, trong khi Hà Nội đẩy mạnh xây dựng các điểm đến thông minh trên nền tảng số. Đà Nẵng cũng ghi dấu ấn với công nghệ thực tế ảo (VR360) và hệ thống thuyết minh tự động song ngữ giúp du khách khám phá địa phương một cách trực quan và sinh động hơn.
Bước sang năm 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số, hướng tới xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh đồng bộ và hiệu quả. Bộ cũng đang nghiên cứu bộ tiêu chí đánh giá nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch, đồng thời hoàn thiện chỉ số đánh giá hiệu quả của các điểm đến thông minh. Các tài liệu hướng dẫn và chương trình tập huấn cũng sẽ được triển khai nhằm hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp thực hiện quá trình chuyển đổi số một cách bài bản và bền vững.