Cán bộ Hải quan kiểm tra hồ sơ hàng hóa. Ảnh: H.P
Nhằm hoàn thành các mục tiêu thu ngân sách theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, Cục Hải quan đã giao chỉ tiêu phấn đấu năm 2025 cho 20 Chi cục Hải quan khu vực.
Năm 2025, Quốc hội giao dự toán thu ngân sách cho ngành Hải quan là 411.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với dự toán năm 2024. Trên cơ sở thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, toàn ngành Hải quan đặt mục tiêu phấn đấu thu vượt 10% so với số thu thực hiện năm 2024, thể hiện quyết tâm phát huy kết quả đạt được, chủ động, sáng tạo và nỗ lực cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ.
Để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, Cục Hải quan đã giao nhiệm vụ cụ thể cho 20 Chi cục Hải quan khu vực và Chi cục Kiểm tra sau thông quan. Các đơn vị được yêu cầu triển khai đồng bộ các nhiệm vụ theo chức năng, đồng thời chủ động đề xuất và thực hiện các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm tăng thu, chống thất thu ngân sách.
Cụ thể, chỉ tiêu thu ngân sách năm 2025 được phân bổ như sau: CCHQ khu vực I thu đạt 40.720 tỷ đồng; khu vực II đạt 144.000 tỷ đồng; khu vực III đạt 75.600 tỷ đồng (tính đến hết tháng 2, khu vực III đã thu được 13.177,1 tỷ đồng, đạt hơn 17,4% kế hoạch); khu vực IV đạt 12.820 tỷ đồng; khu vực V đạt 14.940 tỷ đồng; khu vực VI đạt 9.650 tỷ đồng; khu vực VII đạt 1.622 tỷ đồng; khu vực VIII đạt 20.300 tỷ đồng; khu vực IX đạt 4.380 tỷ đồng; khu vực X đạt 26.000 tỷ đồng; khu vực XI đạt 10.850 tỷ đồng; khu vực XII đạt 22.000 tỷ đồng; khu vực XIII đạt 3.953 tỷ đồng; khu vực XIV đạt 980 tỷ đồng; khu vực XV đạt 24.650 tỷ đồng; khu vực XVI đạt 24.525 tỷ đồng; khu vực XVII đạt 5.500 tỷ đồng; khu vực XVIII đạt 22.300 tỷ đồng; khu vực XIX đạt 3.455 tỷ đồng; khu vực XX đạt 1.255 tỷ đồng; Chi cục Kiểm tra sau thông quan đạt 500 tỷ đồng.
Các đơn vị cần chủ động đánh giá tác động từ các cam kết hội nhập quốc tế đến công tác thu ngân sách; theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, đặc biệt là giá dầu thô, xăng dầu để xây dựng phương án điều hành phù hợp; nắm chắc nguồn thu, tiến độ triển khai các dự án, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn nhằm kịp thời báo cáo, đề xuất giải pháp cụ thể.
Đáng chú ý, cần thực hiện nghiêm việc thu thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ hàng hóa có giá trị nhỏ nhập khẩu qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh cũng như hàng hóa nhập khẩu thông qua giao dịch thương mại điện tử. Cùng với đó, công tác thu hồi và xử lý nợ thuế phải được đặc biệt chú trọng, bảo đảm đến ngày 31/12/2025, số nợ phải thu giảm so với cùng kỳ năm trước. Việc tổ chức lại bộ máy cần đi đôi với rà soát, chốt số liệu kế toán thuế, quản lý thu, nợ thuế và đảm bảo chính xác khi bàn giao hồ sơ, dữ liệu.
Ngoài ra, các đơn vị cần tăng cường kiểm soát giá, phân loại, áp dụng mức thuế, miễn giảm, không thu thuế, giám sát chặt chẽ đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, kho ngoại quan, kho hàng không kéo dài, hàng hóa quá cảnh, hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất, hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan và hàng hóa gửi qua chuyển phát nhanh.
Công tác kiểm tra, giám sát sau thông quan, thanh tra chuyên ngành và đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại cần được đẩy mạnh hơn nữa. Các đơn vị phải tập trung kiểm tra đối với những đối tượng, loại hình được hưởng chính sách ưu đãi thuế, kiên quyết xử lý hành vi gian lận về số lượng, chủng loại, trị giá, mã số HS, xuất xứ, đảm bảo không để xảy ra thất thu ngân sách trên địa bàn được giao quản lý