Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam đối diện nhiều thách thức nhưng cũng đứng trước cơ hội vươn mình mạnh mẽ. Để đảm bảo GCCN vượt qua các rào cản, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng GCCN hiện đại và lớn mạnh là yếu tố tiên quyết.
Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng
Hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh” vừa được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức đã nêu bật các định hướng chiến lược quan trọng.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định GCCN hiện đại vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của nền sản xuất công nghiệp gắn với các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nhất. GCCN hiện đại không chỉ sở hữu năng suất lao động cao mà còn có khả năng hội nhập quốc tế, thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ; có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, hệ tư tưởng khoa học dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ông nhấn mạnh: “Xây dựng GCCN Việt Nam hiện đại chính là khâu chuẩn bị nhân lực cho giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển”.
Qua gần 40 năm đổi mới, đặc biệt trong hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW về xây dựng GCCN Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GCCN Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, GCCN cần giữ vững bản chất GCCN của Đảng. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng là kiên quyết phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc về bản chất GCCN, đồng thời xây dựng môi trường xã hội thuận lợi để giải phóng lực lượng sản xuất. Cần chú trọng đến chính sách việc làm, chính sách nhà ở, bảo hiểm, tiền lương, chính sách ưu đãi, tuyển chọn, sử dụng và đãi ngộ, tôn vinh những công nhân có tay nghề cao… để tạo ra nhiều việc làm hơn, thu hút càng nhiều lao động.
Những thành tựu và thách thức sau gần 40 năm đổi mới
TS. Lê Thị Thúy, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cũng khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất GCCN Việt Nam, là Đảng của GCCN và dân tộc Việt Nam. “Xây dựng GCCN nước ta hiện đại lớn mạnh cả về lượng và chất, đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế tri thức trong kỷ nguyên xã hội thông tin và cách mạng khoa học công nghệ, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến GCCN, thể hiện ngay từ khi thành lập Đảng, được khẳng định trong các Văn kiện của Đảng qua các kỳ Đại hội và gần đây nhất là Văn kiện Đại hội XIII với chủ trương “Phát triển GCCN cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh, trình độ, kỹ năng nhằm thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp bối cảnh, điều kiện mới”.
Để đảm bảo GCCN sẵn sàng vượt qua thách thức, TS. Lê Thị Thuý khẳng định, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng GCCN hiện đại, lớn mạnh, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng GCCN Việt Nam hiện đại cũng đối diện với nhiều hạn chế. Một bộ phận công nhân vẫn chưa đáp ứng yêu cầu lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhiều công nhân còn thiếu ý thức giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị, thậm chí bàng quan trước các sự kiện chính trị – xã hội. Công tác đào tạo và bồi dưỡng công nhân còn nhiều bất cập, chưa gắn liền với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động.
Giải pháp phát triển GCCN Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng, đội tiền phong của GCCN Việt Nam, đại biểu trung thành cho lợi ích của GCCN và toàn thể dân tộc, TS. Lê Thị Thuý đề xuất một số giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng GCCN Việt Nam hiện đại, lớn mạnh đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Cụ thể, cần tạo chuyển biến nhận thức trong toàn Đảng và xã hội, coi GCCN là nguồn nhân lực trọng yếu quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuyên truyền, tạo dư luận xã hội tích cực để cổ vũ, tôn vinh GCCN. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức GCCN trong xây dựng Đảng.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển Đảng trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, tăng tỷ lệ đảng viên và cán bộ lãnh đạo xuất thân từ công nhân; khắc phục tình trạng một bộ phận công nhân chưa có ý nguyên vào Đảng; đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong công nhân, đặc biệt là công nhân trẻ và trí thức, đưa việc xây dựng GCCN gắn với việc xây dựng Đảng. Muốn xây dựng Đảng vững mạnh thì trước tiên phải xây dựng GCCN vững mạnh, coi đây là bộ phận nòng cốt để xây dựng Đảng, Nhà nước, bảo vệ Đảng, Nhà nước nói chung.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân, viên chức, và người lao động, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật. Các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động cần được đa dạng hóa, triển khai hiệu quả hơn. Việc bổ sung và sửa đổi chính sách đào tạo, tái đào tạo lao động cũng là nhiệm vụ cấp thiết, bao gồm cả việc tạo điều kiện khuyến khích công nhân nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ, và kiến thức nghề nghiệp. Chương trình đào tạo cần được xây dựng gắn kết giữa lý thuyết và thực hành, đồng thời chú trọng giáo dục ý thức, phẩm chất đạo đức, tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động.
Song song đó, việc phát triển đội ngũ công nhân cần đi đôi với quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề phù hợp với các ngành công nghiệp, dự án trọng điểm, và vùng kinh tế chiến lược. Ngân sách nhà nước nên tập trung hỗ trợ dạy nghề cho lao động tại nông thôn, vùng miền núi, dân tộc thiểu số, và các lĩnh vực nghề nghiệp mà các đơn vị ngoài công lập chưa đầu tư. Chính sách phân luồng đào tạo cần được cân đối giữa đào tạo nghề và đại học, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động.
Đặc biệt, việc xây dựng đội ngũ công nhân trí thức, nhất là trong các ngành kinh tế mũi nhọn, là yêu cầu quan trọng. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt, đảm bảo sự phát triển bền vững và hiện đại hóa giai cấp công nhân Việt Nam.
Ngoài ra, cần đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động thông qua các chính sách lương thưởng hợp lý, giúp họ có điều kiện ổn định cuộc sống. Việc xây dựng nhà ở, bảo đảm an toàn lao động cũng là nhiệm vụ quan trọng. Đồng thời, tổ chức công đoàn cần phát huy vai trò nòng cốt trong việc tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đề xuất tập trung xây dựng GCCN hiện đại làm cơ sở chính trị – xã hội vững chắc cho Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Ông nhấn mạnh rằng sự lớn mạnh của GCCN là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn đến đời sống vật chất và tinh thần của công nhân, tạo điều kiện cho công nhân học tập, nâng cao trình độ, tham gia vào công tác quản lý nhà nước xã hội. Công đoàn Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới theo đúng tinh thần Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 13/6/2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Đa dạng hoá các hình thức vận động, thu hút đông đảo công nhân, người lao động thuộc các thành phần kinh tế gia nhập công đoàn và tự nguyện tham gia các hoạt động công đoàn… Hoạt động của công đoàn phải hướng về cơ sở, lấy người lao động làm trung tâm. Công đoàn cần chú trọng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động công nhân tham gia vào các hoạt động chính trị – xã hội.