Nhiều tác phẩm gốm Kim Lan đã ghi dấu vào bản đồ gốm sứ cả nước. Ảnh: Báo Nhân Dân
Nằm bên bờ sông Hồng, làng gốm Kim Lan (xã Kim Đức, Gia Lâm, Hà Nội) là một trong những cái nôi của gốm sứ Việt Nam với lịch sử hình thành từ thế kỷ thứ 7. Nơi đây không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo mà còn không ngừng sáng tạo, phát triển, khẳng định vị thế trên bản đồ gốm sứ cả nước.
Gốm Kim Lan là sự hòa quyện giữa vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi với đời sống thường nhật và sự tinh tế, đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Những sản phẩm gốm Kim Lan từ những chiếc bình, chóe, nồi… mang đậm dấu ấn thời gian với sắc men tro trấu trầm mặc từ thế kỷ IX, đến những tác phẩm gốm kích thước lớn, hoa văn tinh xảo, bình hoa vẽ vàng lộng lẫy đều là minh chứng cho tài hoa và tâm huyết của nhiều thế hệ nghệ nhân.
Chia sẻ về nghề gốm Kim Lan, nghệ nhân Đào Việt Bình, Chủ tịch Hội Gốm sứ Kim Lan cho biết: “Gốm Kim Lan là sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp mộc mạc và tinh tế, mang đậm dấu ấn của đời sống thường nhật nhưng vẫn vươn tới đỉnh cao nghệ thuật. Những tác phẩm gốm kích thước lớn là minh chứng cho tài hoa và tâm huyết của các thế hệ nghệ nhân nơi đây”.
Gốm Kim Lan không chỉ nổi bật với những hoa văn tinh xảo, những bình hoa vẽ vàng lộng lẫy mà còn ghi dấu ấn mạnh mẽ qua các tác phẩm gốm kích thước lớn, xác lập kỷ lục Việt Nam. Chính những tác phẩm này đã góp phần khẳng định vị thế vững chắc của gốm Kim Lan trên bản đồ gốm sứ Việt Nam.
Ngày nay, nghề gốm Kim Lan như một bảo tàng sống, lưu giữ những tinh hoa của men cổ. Những chiếc bình, chóe, nồi… với sắc men tro trấu trầm mặc từ thế kỷ IX vẫn nguyên vẹn, từng rực rỡ dưới thời Lý – Trần là những chứng tích vàng son của quá khứ. Không chỉ kế thừa, các nghệ nhân Kim Lan còn sáng tạo ra men hoàng kim – một biến thể từ men tro trấu, mang lại lớp men óng ánh, sắc nét và huyền ảo như ánh sáng phản chiếu trên ngọc. Mỗi sản phẩm không chỉ mang giá trị sử dụng mà còn là những tác phẩm nghệ thuật, nối liền quá khứ và hiện tại đưa nghề gốm Kim Lan trở thành một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghệ nhân Đào Việt Bình cũng cho biết, các nghệ nhân tại Kim Lan hiện đang nỗ lực phục chế men ngọc lục sát thời Lý – Trần, với sắc xanh sâu thẳm như nước hồ mùa thu. Dù hiện nay vẫn còn lưu giữ một số mẫu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhưng công thức chế tác men này vẫn là một ẩn số. Các nghệ nhân Kim Lan kiên trì nghiên cứu, mong muốn tái hiện lại sắc men huyền thoại này.
Chia sẻ thêm về đặc trưng nổi bật của gốm Kim Lan, nghệ nhân Phạm Văn Nguyên (50 tuổi) tại thôn 2, làng Kim Lan cho biết: “Gốm Kim Lan không chỉ mang vẻ đẹp truyền thống mà còn có nét độc đáo hiếm có, đó là khả năng phát quang khi gặp ánh sáng”. Ông giải thích rằng để làm chủ kỹ thuật này, người thợ gốm phải có sự khéo léo và tích lũy kinh nghiệm qua nhiều năm lao động, đồng thời phải hiểu sâu về đặc tính của đất, men và lửa.
Bí quyết tạo nên độ xuyên sáng của gốm Kim Lan nằm ở nguyên liệu và kỹ thuật nung chính xác. Đất Cao Lanh phải được tinh lọc để loại bỏ hoàn toàn tạp chất, rồi nung ở nhiệt độ gần 1.300 độ C. Khi đạt chuẩn, gốm sẽ trong suốt như bóng đèn LED; nếu nhiệt độ thấp hơn, ánh sáng sẽ ngả vàng hoặc không thể xuyên qua. Đặc trưng của gốm Cao Lanh là phát ra ánh sáng xanh, minh chứng cho sự kết tinh hoàn hảo giữa chất liệu tinh khiết và tay nghề điêu luyện của người thợ gốm.
Nghệ nhân Phạm Văn Nguyên cũng cho biết thêm, đất dẻo nguyên chất sau khi nung sẽ co ngót khoảng 18%, còn nếu pha chế thành dung dịch gốm để đổ khuôn, độ co rút có thể lên tới 26%. Nếu không cân chỉnh đúng tỷ lệ, sản phẩm rất dễ bị rạn nứt hoặc vỡ khi nung. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỷ mỉ và kỹ thuật cao, để mỗi sản phẩm khi ra lò không chỉ đạt chất lượng hoàn hảo mà còn mang dấu ấn tinh hoa của nghề gốm Kim Lan.