Văn hóa gia đình có vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội văn minh. Ảnh: G.N
Với quan điểm gia đình là nền tảng vững chắc của xã hội, việc xây dựng văn hóa gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội văn minh và hình thành người Hà Nội thanh lịch. Nhận thức rõ tầm quan trọng này, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động xây dựng đời sống văn hóa gia đình trong năm 2025 nhằm phát huy các giá trị truyền thống và xây dựng một môi trường sống lành mạnh, văn minh.
Văn hóa người Hà Nội nổi bật với yếu tố thanh lịch, văn minh, hình thành qua nhiều thế hệ và trước hết được nuôi dưỡng trong gia đình. Chính vì vậy, văn hóa gia đình không chỉ là yếu tố nền tảng mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của cả cộng đồng. Trên cơ sở này, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND về công tác gia đình trong năm 2025.
Trong đó, mục tiêu chính của các hoạt động năm 2025 là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân về vai trò của gia đình trong bối cảnh hiện đại. Thành phố đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông kết hợp với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa Thăng Long-Hà Nội. Đồng thời, thành phố cũng sẽ tập trung vào việc phòng, chống bạo lực gia đình và tuyên truyền các giải pháp nhằm thực hiện hệ giá trị văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Với chủ đề công tác gia đình năm 2025 là “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng” những thông điệp quan trọng: Gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia hạnh phúc; Đầu tư cho công tác gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững; Hệ giá trị gia đình là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia và nhân cách con người Việt Nam bắt đầu từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
Thành phố sẽ triển khai các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: rà soát và hướng dẫn cơ sở thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình; thực hiện chính sách, pháp luật về gia đình, đảm bảo bình đẳng trong gia đình; tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình tại cơ sở.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển môi trường văn hóa lành mạnh từ gia đình đến cộng đồng, gắn với Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”. Các mô hình gia đình hạnh phúc và phát triển bền vững sẽ được xây dựng và nhân rộng, trong khi các gia đình tiêu biểu sẽ được tuyên dương và ghi nhận. Các danh hiệu như “Gia đình văn hóa tiêu biểu”, “Người con hiếu thảo”, “Gia đình công nhân viên chức lao động Thủ đô tiêu biểu” sẽ được trao tặng.
Các sự kiện quan trọng sẽ được tổ chức trong năm 2025 bao gồm: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình (Tháng 6) và Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ (25/11). Trong các dịp này, thành phố sẽ tuyên dương các gia đình văn hóa tiêu biểu, tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm về văn hóa gia đình, bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Những hoạt động này không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị gia đình mà còn góp phần tạo dựng một cộng đồng đoàn kết, phát triển bền vững trong xã hội hiện đại.