Hà Nội quyết liệt xử lý tận gốc nguồn gây ô nhiễm sông Tô Lịch
Lãnh đạo Thành uỷ và UBND TP Hà Nội đang đẩy mạnh các giải pháp quyết liệt nhằm xử lý triệt để nguồn gây ô nhiễm trên sông Tô Lịch, với mục tiêu khôi phục môi trường nước sạch cho dòng sông vào dịp Quốc khánh 2/9/2025.
Sông Tô Lịch dài hơn 14km, bắt nguồn từ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) và đổ ra sông Nhuệ tại xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì). Đây không chỉ là dòng sông mang giá trị lịch sử, văn hóa gắn bó với đời sống cư dân nội thành mà còn là một phần không thể thiếu trong hệ thống thủy lợi của Thủ đô. Tuy nhiên, dưới sức ép đô thị hóa, quá trình xây dựng không đồng bộ, cùng sự thiếu ý thức của người dân sống ven sông, lòng sông ngày càng bị thu hẹp, hành lang bảo vệ sông bị lấn chiếm, tập kết rác và nước thải sinh hoạt xả thẳng vào sông đã khiến Tô Lịch trở thành một trong những dòng sông ô nhiễm nhất Hà Nội.
Theo thống kê, mỗi ngày, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 160.000m³ nước thải sinh hoạt, phần lớn chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn.
Những năm gần đây, Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực và triển khai nhiều biện pháp để làm sạch hệ thống sông ngòi nội thành, trong đó có sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, Kim Ngưu.
Xây dựng một số trạm xử lý nước thải. Năm 2013, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (quận Hoàng Mai) với công suất 200.000m³/ngày đêm được đưa vào vận hành để thu gom, xử lý nước thải sông Sét và sông Kim Ngưu.
Ngoài ra, một số dự án cũng lần lượt đi vào hoạt động như hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị khu vực quận Hà Đông, Sơn Tây, công suất lần lượt 45.000m3/ ngày đêm và 20.000m3/ ngày đêm, hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô công suất 84.000m³/ngày đêm.
Tuy nhiên, những nỗ lực trên vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng, đặc biệt là với sông Tô Lịch. Vì vậy, việc vận hành thử nghiệm gói thầu số 1 Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, công suất 270.000m³/ngày đêm từ ngày 1/12/2024, đã mở ra kỳ vọng lớn. Đây là một trong những dự án trọng điểm, đóng vai trò then chốt trong lộ trình cải tạo môi trường nước sông Tô Lịch. Ngoài ra, Hà Nội dự kiến triển khai dự án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, bắt đầu từ 2/9/2025.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, Sở đã tính toán nhiều phương án cho việc làm ống ngầm dẫn nước từ sông Hồng và Hồ Tây để làm sạch sông Tô Lịch. Trong đó, phương án khả thi nhất hiện nay là dẫn nước từ sông Hồng qua ngõ 464 Âu Cơ, đi ngầm qua đường Âu Cơ để đưa vào Hồ Tây, từ đó điều tiết xuống sông Tô Lịch.
Hiện thành phố đã tiến hành thu gom nước thải từ các cống xả dọc sông Tô Lịch để chuyển về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Dự kiến, khi nhà máy đưa vào vận hành thử nghiệm, lượng bùn thải phát sinh lên đến 200 tấn/ngày.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ lập báo cáo dự án xử lý, tái chế bùn thải thoát nước tại huyện Thường Tín với công suất xử lý ban đầu 1.500 tấn/ngày đêm, sau đó nâng lên 3.000 tấn/ngày đêm. Bùn thải sau xử lý có thể tái sử dụng trong sản xuất xi măng hoặc phục vụ trồng cây.
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nhận định, bên cạnh các dự án xử lý nước thải và cấp nước cho các dòng sông, để hồi sinh các dòng sông chết, Hà Nội cần đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các chuyên gia, người làm chuyên môn và đặc biệt là cộng đồng dân cư sống ven sông. Bà An nhấn mạnh: “Cần minh bạch phương án, kinh phí, đơn vị thực hiện… để các nhà khoa học, giới chuyên môn giám sát, phản biện. Làm rõ công tác quản lý, phân cấp quản lý sông Tô Lịch sau tiến hành cải tạo, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ phương án… để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân”.
Tin mới nhất
Hành lang pháp lý cho đặt cược thể thao
Văn hoá và Pháp luật - Cơ quan ngôn luận của Viện Nghiên Cứu Thông Tin – Chính Sách Văn Hóa Và Pháp Luật Việt Nam.
Tổng phụ trách: TS danh dự Bùi Hải Dính
Chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn Viện: PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ – nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, hiện là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
Cố vấn nội dung: Dương Văn Khá – Nguyên Chánh văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ
Chánh văn phòng: Nguyễn Lan Phương
Ban biên tập: Nguyễn Thị Ngọc Bích
Links nhanh
Liên hệ hợp tác
Địa chỉ: Số 164, Phố Hồng Mai, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0919458681
Email: tapchi@vanhoaphapluat.vn
Tìm đường
©2024 Bản quyền thuộc Viện Nghiên Cứu Thông Tin – Chính Sách Văn Hóa Và Pháp Luật Việt Nam.