Hậu quả rúng động từ những va chạm nhỏ
Thời gian vừa qua, chúng ta phải đón nhận nhiều câu chuyện bàng hoàng, gây sốc. Chỉ từ những va chạm nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng, gây rúng động cộng đồng.
Chỉ một “mồi lửa” nhỏ, thảm họa lớn
Khó ai có thể ngờ rằng chỉ từ một va chạm nhỏ tại một quán cà phê “hát cho nhau nghe” ở Hà Nội, một người đàn ông đã ra tay tàn độc, dùng xăng đốt nhà, gây nên cái chết thương tâm cho 11 người. Sự việc đau lòng này cho thấy một xung đột tưởng chừng như không nghiêm trọng, nếu không được giải quyết thỏa đáng, có thể dẫn đến những hậu quả khủng khiếp, để lại nỗi đau khôn nguôi cho nhiều người.
Một số câu chuyện không hay xuất phát từ những va chạm nhỏ trong cuộc sống liên tiếp diễn ra, có thể kể đến những vụ việc điển hình như một nữ nhân viên soát vé bị một nhóm thanh niên hành hung đến mức phải nhập viện chỉ vì nhắc nhở họ không nói chuyện ồn ào và văng tục trên xe buýt. Hoặc vụ việc lái xe và phụ xe buýt bị tố cáo đã dùng tuýp sắt đánh người trên cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) sau khi bị nhắc nhở về hành vi đi lấn làn và bấm còi xe quá lớn. Nghiêm trọng hơn nữa, vào giữa tháng 10 năm 2019, tại Tiền Giang đã xảy ra vụ va chạm một người đàn ông 41 tuổi bị một nhóm đông người đánh hội đồng và dùng kéo đâm đến tử vong sau một va chạm giao thông.
Những cá nhân gây tổn thương và hệ lụy nghiêm trọng trong các vụ việc kể trên đã phải nhận sự trừng phạt đích đáng của pháp luật. Tuy nhiên, bi kịch thay, những hành vi lệch chuẩn ấy vẫn tồn tại và tiếp diễn dai dẳng trong đời sống xã hội. Những sự việc nhức nhối này không chỉ gieo rắc nỗi bất an, hoang mang trong cộng đồng mà còn phơi bày một thực trạng đáng báo động về sự suy thoái văn hóa ứng xử.
Gốc rễ văn hóa ứng xử: Nền tảng then chốt
Mặc dù áp lực cuộc sống hiện đại có thể góp phần gây ra những hành vi nóng giận, thiếu kiềm chế trong các xung đột, nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất, càng không phải là nguyên nhân chính khi những hành vi này trở nên phổ biến. Thực tế cho thấy, vấn đề nằm ở “lỗ hổng” trong văn hóa ứng xử của một bộ phận xã hội.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga nhận định rằng, thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đòi hỏi sự nhìn nhận thẳng thắn và nỗ lực thay đổi từ toàn xã hội. Trước hết, cần phải đề cập đến sự thiếu hụt trong giáo dục văn hóa ứng xử. Ở một số gia đình, nhà trường, và thậm chí trong phạm vi xã hội, việc coi trọng văn hóa ứng xử đôi khi chưa được đặt đúng vị trí. Điều này dẫn đến việc một bộ phận trẻ em lớn lên thiếu kỹ năng xử lý mâu thuẫn, va chạm nhỏ không đáng có và không nhận thức được hậu quả nghiêm trọng từ hành vi của mình.
Bên cạnh đó, tác động tiêu cực từ mạng xã hội cũng là một yếu tố quan trọng, mang tính thời đại. Các nền tảng mạng xã hội hiện nay đang tiềm ẩn nguy cơ cổ xúy bạo lực, khi những nội dung như video cãi vã, ẩu đả, chơi xấu… lan truyền mạnh mẽ và thu hút sự quan tâm của đông đảo người dùng.
“Chính vì vậy, việc chung tay xây dựng văn hóa ứng xử từ gốc là rất quan trọng, với vai trò then chốt là giáo dục gia đình và nhà trường. Mỗi một con người, ngay từ khi có nhận thức, cần được chú trọng dạy về cách quản lý cảm xúc, biết xin lỗi khi sai và kiềm chế khi đối mặt với xung đột” – bà Lê Thị Minh Nga nhấn mạnh.
Cũng theo bà Lê Thị Minh Nga, bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát nội dung trên mạng xã hội, đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông đại chúng với nội dung tích cực, khai thác yếu tố nhân văn nhằm định hình tư duy tích cực trong cộng đồng. Song song đó, việc tăng cường hiệu lực của pháp luật, áp dụng các chế tài nghiêm khắc và truy cứu trách nhiệm rõ ràng là yếu tố then chốt để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và điều chỉnh hành vi của người dân.
Tuy nhiên, yếu tố quyết định vẫn nằm ở ý thức tự thân của mỗi người. Mỗi cá nhân cần tự đánh giá, điều chỉnh và hoàn thiện cách ứng xử của mình, đặc biệt là trong những va chạm nhỏ thường ngày, thông qua những hành động thiết thực như nhường nhịn, kiềm chế cảm xúc, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác… Bởi lẽ, văn hóa ứng xử không chỉ phản ánh diện mạo của xã hội, mà còn là tài sản tinh thần quý báu mà chúng ta để lại cho tương lai..
Tin mới nhất
Hà Nội ngập trong “Biển rác” sau đêm Noel
Cùng chuyên mục:
Văn hoá và Pháp luật - Cơ quan ngôn luận của Viện Nghiên Cứu Thông Tin – Chính Sách Văn Hóa Và Pháp Luật Việt Nam.
Tổng phụ trách: TS danh dự Bùi Hải Dính
Chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn Viện: PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ – nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, hiện là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
Cố vấn nội dung: Dương Văn Khá – Nguyên Chánh văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ
Chánh văn phòng: Nguyễn Lan Phương
Ban biên tập: Nguyễn Thị Ngọc Bích
Links nhanh
Liên hệ hợp tác
Địa chỉ: Số 164, Phố Hồng Mai, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0919458681
Email: tapchi@vanhoaphapluat.vn
Tìm đường
©2024 Bản quyền thuộc Viện Nghiên Cứu Thông Tin – Chính Sách Văn Hóa Và Pháp Luật Việt Nam.