Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu 21 trường đại học danh tiếng hàng đầu của Hoa Kỳ. Ảnh: VGP
Ngày 31/3, trong buổi tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu 21 trường đại học danh tiếng hàng đầu của Hoa Kỳ tham dự chương trình trao đổi học thuật quốc tế (IAPP) 2025 tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định cam kết của Việt Nam sẽ dành tới 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và toàn diện phát triển con người về đức, trí, thể, mỹ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng khi gặp gỡ các đại biểu vào dịp Hoa Kỳ và Việt Nam kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1995-2025). Ông nhấn mạnh rằng, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa hai quốc gia, với nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản và chủ trương quan trọng để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo, đồng thời phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Những chính sách này nhằm tạo ra những đột phá trong các lĩnh vực quan trọng.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các trường đại học của hai nước phối hợp xây dựng các kế hoạch hợp tác dài hạn, bền vững và thiết thực. Các hình thức hợp tác cần đa dạng, sáng tạo và linh hoạt bao gồm trao đổi sinh viên, giảng viên, liên kết đào tạo và các chương trình nghiên cứu chung. Các lĩnh vực hợp tác có thể mở rộng ra các ngành mới như khai thác không gian biển, không gian vũ trụ và không gian ngầm. Từ đó thúc đẩy Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực này. Thủ tướng cũng đề nghị Hoa Kỳ xem xét mở rộng chương trình học bổng và ưu đãi học phí dành cho sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề cập đến sự hiện diện của các tập đoàn lớn Hoa Kỳ như Intel, NVIDIA và Apple tại Việt Nam. Họ đã đầu tư và mở rộng hệ sinh thái của mình. Ông đề nghị các trường đại học hai nước chủ động trao đổi, xây dựng các chương trình hợp tác cụ thể, đặc biệt trong các ngành kỹ thuật cao, AI, bán dẫn, công nghệ sinh học, sức khỏe, nông nghiệp, ngoại ngữ cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn và doanh nghiệp của hai quốc gia.
Thủ tướng cũng mong muốn các lãnh đạo trường đại học sẽ có tiếng nói với chính quyền Tổng thống Trump thúc đẩy việc công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, gỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu công nghệ cao và các chính sách ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế – thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển hơn nữa.
Với quan điểm “coi trọng trí tuệ, thời gian và sự quyết đoán”, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ niềm tin rằng hợp tác giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ ngày càng sâu sắc và hiệu quả hơn. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của mỗi quốc gia và dân tộc mà còn góp phần vào mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, đồng thời thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.