Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tháo gỡ dứt điểm vướng mắc cho 1.533 dự án kéo dài, tồn đọng - Ảnh: N.B
Vừa qua ngày 30/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án. Mục tiêu chính là đánh giá tình hình, tìm giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đang tồn đọng.
Thời gian trước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã “điểm mặt” nguyên nhân và nhấn mạnh “điểm nghẽn của điểm nghẽn” là “thể chế”. Tổng Bí thư khẳng định: “Tất cả do mình!”. Tại một sự kiện vào giữa tháng 2/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ rõ: “Đụng vào cái gì cũng khó khăn do các quy định của chúng ta”. Có thể thấy, đây là thông điệp thúc giục cả hệ thống chính trị vào cuộc để bắt tay thực thi, hành động. Chính vì thế, đất nước đang thực hiện “cách mạng tinh gọn”, xây dựng hệ thống chính trị “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”.
Nhìn lại 5 năm trước, bài học về 12 dự án “đắp chiếu” vẫn còn nguyên giá trị cho thấy tầm quan trọng của tầm nhìn, quy hoạch, đầu tư. Tại cuộc họp ngày 30/3, con số đáng báo động được đưa ra: 1.533 dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc bao gồm 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án PPP. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn nhận được văn bản phản ánh của doanh nghiệp về 12 dự án khác.
Trong số hàng nghìn dự án này, Bộ Tài chính đã sơ bộ phân loại thành 17 nhóm vấn đề liên quan bao gồm xử lý tài sản công, quản lý, sử dụng, bố trí vốn đầu tư công, chuyển mục đích sử dụng đất, dừng, thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án… Đồng thời, các dự án cũng được phân loại theo thẩm quyền xử lý cho thấy sự tham gia của nhiều cơ quan như Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương.
Để giải quyết vấn đề, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế đặc thù, nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong nhiều lĩnh vực cụ thể. Đặc biệt, Chính phủ cũng có những nghị quyết riêng cho các dự án cụ thể như dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chính là tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Điều này có ý nghĩa quan trọng để đất nước giải phóng huy động khai thác nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng GDP từ 8% trong năm 2025 và đạt 2 con số những năm tiếp theo, tạo công ăn việc làm sinh kế cho người dân. Để đạt được điều này, cần có những quy định có hiệu lực, hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Gần đây, Đảng, Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung. Trong bối cảnh hiện tại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đòi hỏi quyết tâm cao nỗ lực lớn và hành động quyết liệt.