Dự án tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An sắp hoàn thiện. Ảnh: N.P
Việc đầu tư các dự án giao thông lớn tại Huế không chỉ giúp kết nối liên vùng mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Khi các tuyến đường, cầu vượt sông, vượt biển được hoàn thiện, hệ thống hạ tầng giao thông sẽ hiện đại hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ, tiện ích, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Dự án tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An giai đoạn 1 do Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông thành phố (TP) Huế đầu tư. Tổng dự án lên đến 2.400 tỷ đồng. Hạng mục này có quy mô gần 8km. Trong đó, phần cầu dài khoảng 2,36km, điểm đầu tuyến tại nút giao QL49B – cầu Tam Giang và điểm cuối tại nút giao QL49A – 49B. Tính đến nay, công trình đã đạt khoảng 80% giá trị xây lắp và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3/2025.
Cây cầu Thuận An không chỉ là công trình giao thông mà còn là “cầu nối” ước mơ của người dân Huế. Khi cây cầu hoàn thành, việc đi lại và giao thương giữa các huyện Quảng Điền, Phú Vang và trung tâm TP Huế trở nên dễ dàng hơn. Từ đó mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Bà Đinh Thị Bích, ngụ tại phường Thuận An chia sẻ: “Cây cầu này sẽ giúp chúng tôi rút ngắn thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí vận chuyển, đồng thời tạo điều kiện cho con cái chúng tôi học hành, làm ăn được tốt hơn”.
Việc thi công cầu qua cửa Thuận An là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết bất lợi tại vùng cửa biển. Ông Ngô Văn Trường, đại diện Công ty cổ phần Xây dựng Tân Nam cho biết, công ty đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình thi công gói thầu trị giá hơn 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và năng lực của mình, công ty đã triển khai nhiều giải pháp thi công hiệu quả, đảm bảo đúng tiến độ các hạng mục cũng như chất lượng công trình.
Huế đang nỗ lực đầu tư nhiều dự án giao thông lớn để kết nối liên vùng. Năm 2024, thành phố đã phê duyệt đầu tư dự án cầu qua phá Tam Giang, nối thị trấn Phú Đa đi xã Vinh Xuân (huyện Phú Vang) với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Ông Nguyễn Văn Nam tại thị trấn Phú Đa chia sẻ: “Từ lâu, vùng đất ven biển, đầm phá chúng tôi sống cảnh cách trở đò giang. Khi dự án cầu khởi công, bà con rất kỳ vọng và phấn khởi. Có đường, có cầu sẽ mở ra nhiều cơ hội cho vùng đất đầm phá phát triển cũng như người dân xa trung tâm có việc làm, không phải tha phương kiếm sống”.
Theo Sở Giao thông vận tải Huế, cầu qua phá Tam Giang dài 1,4km, dự kiến hoàn thành vào năm 2028, sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các xã ven biển với trung tâm huyện Phú Đa và trung tâm Huế. Đây là cây cầu thứ 6 bắc qua phá Tam Giang – Cầu Hai, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ nhu cầu dân sinh. Trong tương lai, sẽ có thêm ít nhất 3 cây cầu bắc qua phá Tam Giang.
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND Huế vừa có buổi kiểm tra tiến độ một số công trình trọng điểm trên địa bàn. Ông nhấn mạnh rằng, năm 2025, thành phố sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông có tính chất kết nối, lan tỏa; các dự án hạ tầng kỹ thuật để phát triển quỹ đất; các dự án đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư, góp phần xây dựng TP Huế xứng tầm đô thị trực thuộc Trung ương.
UBND tỉnh đã ra quân chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải dốc toàn lực triển khai nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm. Các dự án trọng điểm cần được “tăng tốc”, huy động tối đa máy móc, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị phải sát sao kiểm tra, giám sát và phối hợp chặt chẽ với đơn vị thi công để kịp thời giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công trình, dự án.
Trong những năm qua, Huế đã và đang đầu tư xây dựng nhiều dự án trọng điểm để phát triển khung hạ tầng, bao gồm: Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài; đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; đường ven biển và cầu qua cửa Thuận An; đê chắn sóng cảng Chân Mây – giai đoạn 2. Theo quy hoạch chung đô thị Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Chính phủ phê duyệt tháng 1/2024, Huế được xác định là cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung về kinh tế biển, kinh tế du lịch, trung tâm về phát triển công nghiệp và cảng biển của quốc gia. Do đó, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng được xem là giải pháp mang tính chiến lược.