Bình Thuận mạnh tay xử lý tình trạng khoanh nuôi hải sản trái phép. Ảnh: Báo PLVN
Trước tình trạng khoanh nuôi hải sản trái phép trên vùng biển Bình Thuận gây ảnh hưởng đến môi trường và hoạt động khai thác thủy sản, các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Việc tháo dỡ các lồng, bè tự phát không chỉ nhằm lập lại trật tự, bảo vệ nguồn lợi biển mà còn hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, đảm bảo sinh kế lâu dài cho ngư dân.
Ô nhiễm môi trường, gây mất cân bằng sinh thái
Hoạt động nuôi trồng thủy sản tự phát theo phương thức này tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường biển, đe dọa hệ sinh thái ven bờ. Nếu không được quản lý chặt chẽ, các cội chà và bè nuôi có thể gây mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nguồn lợi hải sản tự nhiên.
Nhiều người dân tự ý tạo cội chà tại các khu vực ven biển nhằm dẫn dụ và khai thác hải sản trái phép. Họ sử dụng lốp xe, gỗ và nhiều vật liệu khác, trong đó có những loại không phù hợp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Sau khi hình thành cội chà, họ khoanh vùng bằng dây, cọc hoặc các vật dụng tự chế, biến khu vực này thành điểm khai thác riêng, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và trật tự khai thác chung.
Bà Lê Thị Mai, ngư dân tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi thấy rất nhiều loại cá và tôm, nhưng giờ đây chúng không còn xuất hiện như trước nữa. Việc sử dụng vật liệu không phù hợp để làm cội chà cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng đến chất lượng nước và sức khỏe của các loài hải sản”.
Tình trạng khoanh nuôi hải sản trái phép đang ngầm tạo ra các cuộc “chiến tranh” giành nguồn lợi biển. Theo Công an tỉnh Bình Thuận, khu vực biển Tuy Phong, nhất là từ xã Chí Công đến xã Bình Thạnh là điểm nóng của hàng loạt vụ phức tạp liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản trái phép.
Thống kê của Phòng An ninh kinh tế cho thấy hơn 100 cụm nuôi tự phát đã xuất hiện, dẫn đến xung đột căng thẳng giữa ngư dân lặn và các nhóm chiếm giữ cội chà, bè nuôi. Những tranh chấp này không chỉ gây đình trệ hoạt động khai thác thủy sản mà còn đe dọa an ninh trật tự trên biển.
Bên cạnh đó, việc thu mua sò nhỏ rồi thả nuôi tại các khu vực cội chà, bè nuôi không chỉ tác động tiêu cực đến môi trường biển mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của nhiều ngư dân. Tại TP Phan Thiết, đặc biệt là các phường Phú Hài, Mũi Né, tình trạng này đang diễn ra nghiêm trọng, khiến nhiều ngư dân lặn rơi vào cảnh mất kế sinh nhai.
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết tâm tháo dỡ các cội chà trái phép
Trước tình hình khoanh nuôi hải sản trái phép ngày càng diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng đã vào cuộc và hành động quyết liệt. Phòng An ninh kinh tế và Công an huyện Tuy Phong đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng khác tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ, từ vận động các hộ tự ý khoanh vùng nuôi trồng tự nguyện tháo gỡ cội chà (đã tháo gỡ được khoảng 80 cội chà) đến tăng cường kiểm tra, rà soát công tác quản lý nhà nước trong hoạt động nuôi biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Việc thực hiện các quy định pháp luật nuôi trồng thủy sản như đăng ký nuôi trồng bằng lồng bè, giao khu vực biển cho người dân nuôi trồng cũng được chú trọng hơn.
Bên cạnh việc xử lý các vi phạm, công tác tuyên truyền cũng được chú trọng. Cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền pháp luật về nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và an ninh trật tự trên biển. Việc tuyên truyền giúp ngư dân hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, góp phần hạn chế các tranh chấp, xung đột.
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đảm bảo an ninh trật tự trên biển, Phòng An ninh kinh tế sẽ tiếp tục triển khai một loạt các biện pháp mạnh mẽ trong thời gian tới. Các đơn vị tiếp tục phối hợp nắm tình hình, rà soát và tham mưu, hoàn thiện các quy hoạch, đề án nuôi biển, đồng thời chú trọng các chương trình, đề án chuyển đổi ngành nghề khai thác thủy sản, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản hợp pháp trên biển phát triển.
Trước tình hình trên, UBND huyện Tuy Phong đã thực hiện chỉ đạo từ UBND tỉnh Bình Thuận bằng cách triển khai các biện pháp tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường và nguồn lợi hải sản. Ông Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình và thực hiện các biện pháp để bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ nguồn lợi hải sản và môi trường biển phát triển bền vững”.