Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết. Ảnh: CTTDT Quốc Hội VN
Sáng 18/2, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với 463/465 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 96,86% tổng số đại biểu Quốc hội.
Trước khi tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Liên quan đến một trong những nội dung được quan tâm nhất tại dự thảo Luật là phân quyền, phân cấp, ủy quyền, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến đề nghị làm rõ thêm các nội dung này. UBTVQH nhận định, dự thảo Luật đã được thiết kế đồng bộ với quy định tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) về phân quyền. Cụ thể, dự thảo đã xác định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận quyền được quy định tại các Luật, Nghị Quyết của Quốc hội. Đối với những vấn đề đã phân quyền cho chính quyền địa phương theo nguyên tắc phân quyền quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chính quyền địa phương sẽ chủ động quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền.
Về phân cấp, UBTVQH đã chỉ đạo tiến hành rà soát để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất, đồng thời xác định rõ các chủ thể phân cấp, chủ thể nhận phân cấp và trách nhiệm của các bên liên quan. Quy trình phân cấp cũng được làm rõ về cách thức thực hiện. Theo nguyên tắc phân cấp trong Luật, các văn bản pháp luật chuyên ngành sẽ chỉ rõ những vấn đề không thuộc diện phân cấp khi triển khai phân quyền, phân cấp.
Về ủy quyền, dự thảo Luật đã được thiết kế đồng bộ với các quy định trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Dự thảo này xác định rõ chủ thể ủy quyền, chủ thể nhận ủy quyền và trách nhiệm của các bên liên quan, đồng thời quy định chi tiết về cách thức, nội dung, phạm vi, thời gian ủy quyền cùng các điều kiện mang tính nguyên tắc trong quá trình thực hiện. Những quy định này trong dự thảo Luật đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà đại biểu Quốc hội đã nêu.
Về vấn đề phân cấp, một số ý kiến đề xuất giao Chính phủ quy định cụ thể các nội dung phân cấp giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, đồng thời quy định các điều kiện phân cấp trong Luật nhằm đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng các yếu tố như nguồn lực tài chính, nhân sự,… Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, Luật Tổ chức Chính phủ là luật gốc và mang tính chung về phân quyền, phân cấp. Vì vậy chỉ nên quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc. Các nội dung phân cấp cụ thể, cũng như điều kiện phân cấp trong từng lĩnh vực quản lý, sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành, giúp đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển trong từng giai đoạn.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức hoặc người phân cấp nếu chậm trễ trong việc sửa đổi các quy định pháp luật, dẫn đến việc thực hiện các nhiệm vụ phân cấp không đạt hiệu quả. UBTVQH nhận thấy, nội dung này đã được phản ánh trong trách nhiệm của cơ quan, người phân cấp tại khoản 4 Điều 8, theo đó “Cơ quan, người phân cấp có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp, bảo đảm các nội dung phân cấp được thực hiện hiệu lực, hiệu quả”. UBTVQH cho rằng việc liệt kê chi tiết trách nhiệm trong Luật có thể không bao quát được hết các tình huống phát sinh trong thực tế.
Về vấn đề ủy quyền, để bảo đảm tính thống nhất giữa các điều khoản trong Luật, UBTVQH đã quy định rõ tại Điều 4 rằng: “Người ủy quyền… chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình ủy quyền, trừ trường hợp cơ quan, người được ủy quyền thực hiện không đúng nội dung, phạm vi, thời hạn đã được ủy quyền quy định tại khoản 5 Điều này”. Quy định này nhằm làm rõ trường hợp chủ thể ủy quyền không phải chịu trách nhiệm nếu có sai phạm từ phía chủ thể nhận ủy quyền.
Có ý kiến đề xuất giới hạn thời gian ủy quyền, bổ sung thêm khoản 7 với nội dung: “Thời hạn ủy quyền không quá 3 năm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, sau thời gian này, việc tiếp tục ủy quyền phải được xem xét, đánh giá lại”. Đồng thời, cũng đề xuất giới hạn phạm vi ủy quyền, chỉ áp dụng với các nhiệm vụ hành chính thông thường và không ủy quyền các nhiệm vụ liên quan đến quyết định chính sách vĩ mô. Tuy nhiên, UBTVQH nhận thấy chưa có cơ sở để xác định thời hạn tối đa 3 năm cho việc ủy quyền vì thực tế quản lý rất đa dạng và phức tạp. Việc quy định thời hạn ủy quyền sẽ được quy định cụ thể trong văn bản ủy quyền, giúp tránh sự cứng nhắc trong Luật và đảm bảo sự linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Về phạm vi ủy quyền, UBTVQH đề nghị điều chỉnh vấn đề này trong pháp luật chuyên ngành để phù hợp với các yêu cầu quản lý cụ thể.
Về các ý kiến đề nghị quy định việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền phải rõ ràng, đồng bộ và có trách nhiệm liên đới, UBTVQH đã lưu ý rằng trách nhiệm giám sát việc thực hiện phân cấp, phân quyền cùng với cơ chế chịu trách nhiệm liên đới và quyền từ chối nhận phân cấp, ủy quyền đã được thể hiện trong các điều khoản của dự thảo Luật. Quy định này bảo đảm sự hài hòa giữa nguyên tắc cơ quan cấp dưới phải tuân thủ sự lãnh đạo và chỉ đạo của cơ quan cấp trên, đồng thời vẫn bảo vệ quyền chủ động của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận phân cấp, ủy quyền trong việc góp ý và yêu cầu điều chỉnh khi không đủ điều kiện thực hiện.
Về việc phân cấp, phân quyền phải đi đôi với việc phân bổ nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, UBTVQH cho rằng ngoài nguồn lực tài chính, còn có nhiều yếu tố cần thiết khác như nhân lực, cơ chế và thủ tục hành chính. Vì vậy, việc liệt kê chi tiết trong Luật là không thể đầy đủ. Tuy nhiên, nội dung trong dự thảo Luật đã bao quát trách nhiệm đảm bảo các điều kiện cần thiết để thực hiện phân cấp, phân quyền một cách hiệu quả.