Khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” lần đầu tiên được giới thiệu tại Trường phổ thông cơ sở Thực nghiệm Hà Nội. Ảnh minh họa: Internet
Năm 1978, tại Trường phổ thông cơ sở Thực nghiệm Hà Nội, khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” lần đầu tiên được thực hành ứng dụng. Đây là ý tưởng do Giáo sư Hồ Ngọc Đại đề xuất và là phiên bản chính thức: “Đi học là hạnh phúc – mỗi ngày đến trường náo nức một niềm vui”.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã dành nhiều năm để truyền bá quan điểm này. Ông nhấn mạnh rằng để trẻ em vui vẻ khi đến trường, điều quan trọng là phải làm cho các em thích thú với việc học. Ông cho rằng trẻ cần được tự do khám phá bài học, cuộc sống và các vấn đề thông qua sự hướng dẫn của giáo viên. Thay vì đánh giá bằng điểm số, giáo sư đề xuất một hệ thống đánh giá khuyến khích sự tiến bộ của trẻ, chỉ rõ những gì đúng, sai và cần cải thiện. Thay vì cách giảng dạy truyền thống, thầy giáo nên giao nhiệm vụ cho học sinh để các em tự thực hiện. Điều quan trọng là xã hội phải tôn trọng nghề giáo, vì khi thầy cô được tôn trọng, học sinh cũng sẽ được hưởng.
Những quan điểm của Giáo sư Hồ Ngọc Đại về giáo dục đã gây ra nhiều cuộc tranh luận trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, có một quan điểm đã được phần lớn phụ huynh, học sinh và các nhà quản lý giáo dục đồng tình, đó là “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Để hiện thực hóa “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT đã được ban hành mới đây và sẽ có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Thông tư quy định rõ về việc dạy thêm, học thêm, trong đó có những điểm đáng chú ý như: không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học (ngoại trừ các trường hợp bồi dưỡng năng khiếu về nghệ thuật, thể dục, thể thao và kỹ năng sống); không dạy thêm cho học sinh đã học 2 buổi/ngày tại trường.
Theo quy định, việc dạy thêm, học thêm trong trường không được phép thu tiền từ học sinh và chỉ áp dụng cho ba nhóm đối tượng: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ chưa đạt mức yêu cầu; học sinh được trường lựa chọn để nâng cao kiến thức trong chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp đăng ký ôn thi tuyển sinh hoặc ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch của trường.
Đối với hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, theo quy định mới, các tổ chức, cá nhân có thu tiền học sinh phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương). Giáo viên đang giảng dạy tại các trường học không được phép dạy thêm có thu phí cho học sinh của mình bên ngoài trường học.
Học sinh không thuộc đối tượng được học thêm trong trường có quyền tự nguyện học thêm ở ngoài. Việc học thêm để nâng cao kiến thức, phát triển bản thân là một nhu cầu chính đáng và không bị pháp luật cấm. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân dạy thêm phải đăng ký kinh doanh, công khai các thông tin về địa điểm, môn học, thời lượng, kinh phí, đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về thời giờ, thời gian làm việc, an toàn, an ninh.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích về những quy định mới và nhấn mạnh rằng mục tiêu của Bộ là thúc đẩy các trường học không còn tổ chức các lớp học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn học chính khóa, học sinh sẽ có thời gian tham gia các hoạt động thể thao, nghệ thuật, âm nhạc và vui chơi. Mục đích là để học sinh không chỉ học kiến thức mà còn phát triển toàn diện về nhân cách, ý thức xã hội, kỹ năng sống và khả năng giải quyết vấn đề. Bộ cũng nhấn mạnh việc giảm bớt áp lực học thêm, giúp học sinh có một môi trường học tập vui vẻ, thoải mái.
Bên cạnh việc đề xuất nâng cao mức lương và các chế độ đãi ngộ dành cho nhà giáo, dư luận xã hội cũng đặt kỳ vọng lớn vào việc lan tỏa tinh thần “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đến từng học sinh, giáo viên, các bậc phụ huynh và toàn xã hội.