Ảnh minh hoạ. Nguồn: Vnexpress
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh đang là một xu thế tất yếu nhằm phát huy lợi thế tạo không gian phát triển rộng lớn hơn. Bên cạnh các tiêu chí đánh giá việc sáp nhập tên gọi tỉnh mới, vấn đề trung tâm hành chính – chính trị (“thủ phủ”) của tỉnh mới cũng đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông thuận lợi cùng với việc nhiều tỉnh hiện nay đã phát triển đến giới hạn về tài nguyên, đặc biệt là đất đai, việc sáp nhập các tỉnh để tạo ra không gian rộng lớn hơn, thu hút thêm nguồn lực và tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội là một xu thế tất yếu.
Tại cuộc họp ngày 11/3 vừa qua, ngoài việc thống nhất mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Thường vụ Đảng ủy Chính phủ cũng đã đồng thuận trình phương án sắp xếp hành chính, giảm khoảng 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trong bối cảnh đó, khi đề cập đến việc lựa chọn trung tâm hành chính – chính trị Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng, quyết định này cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét các yếu tố như lịch sử, địa lý, hạ tầng kết nối, không gian phát triển, quốc phòng – an ninh và hội nhập quốc tế.
Lựa chọn trụ sở chính của tỉnh sau khi sáp nhập đang trở thành một chủ đề bàn luận sôi nổi, bởi quyết định này có ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của người dân. Do đó, việc chọn lựa trung tâm hành chính – chính trị (“thủ phủ”) cần phải được tính toán cẩn thận và dựa trên các tiêu chí rõ ràng.
Hiện nay, phần lớn các trung tâm hành chính – chính trị của các tỉnh đều nằm tại các khu vực trung tâm tỉnh lỵ, quận nội thành hoặc các thành phố, thị xã lớn, giúp thuận tiện trong việc đi lại và phát triển. Tuy nhiên, có những tỉnh, thành trung tâm hành chính – chính trị lại nằm ở khu vực đông đúc, không thuận tiện cho việc giao thông và phát triển. Điều này càng làm rõ sự cần thiết phải xem xét lại vị trí trung tâm hành chính – chính trị khi thực hiện các cuộc sáp nhập.
Một số ý kiến cho rằng, việc lựa chọn “thủ phủ” không nhất thiết phải dựa vào tỉnh lớn hay nhỏ, mà cần căn cứ vào các yếu tố như sự thuận lợi về giao thông, khả năng mở rộng không gian và tiềm năng phát triển. Cần phải tính đến yêu cầu của sự phát triển trong bối cảnh tinh gọn bộ máy hành chính.
Kinh nghiệm từ các lần sáp nhập trước cho thấy, việc chọn “thủ phủ” thường dựa vào những yếu tố như vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng giao thông tốt và giá trị lịch sử văn hóa của khu vực. Tuy nhiên, để đảm bảo tính đồng bộ và phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng việc lựa chọn trung tâm hành chính – chính trị nên căn cứ vào quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch phát triển vùng.
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Trần Ngọc Chính cho rằng, trong trường hợp sáp nhập hai hoặc ba tỉnh, không nhất thiết phải chọn “thủ phủ” của tỉnh lớn làm nơi đặt trung tâm hành chính – chính trị. Ngược lại, cũng không nên chọn khu vực của tỉnh nhỏ chỉ vì mục tiêu phát triển địa phương đó.
Theo ông, các tiêu chí quan trọng trong việc lựa chọn trung tâm hành chính – chính trị khi sáp nhập các tỉnh phải bao gồm: vị trí địa lý trung tâm, cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện, giá trị lịch sử, văn hóa của khu vực và hiện trạng trụ sở hành chính của các tỉnh.
Trong đó, vị trí địa lý được coi là tiêu chí quan trọng nhất. Khu vực trung tâm hành chính phải nằm ở vị trí trung tâm, dễ dàng kết nối với các tỉnh trong khu vực bằng các phương tiện giao thông như đường bộ, đường sắt, và hàng không. Bên cạnh đó, việc xem xét tình trạng hiện tại của các trụ sở hành chính của các tỉnh cũng cần được tính đến.
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, khi lựa chọn trung tâm hành chính – chính trị, cần phải tôn trọng giá trị lịch sử và văn hóa của khu vực đó, sao cho vừa đáp ứng nhu cầu phát triển vừa bảo đảm tính kế thừa và sự phù hợp với yêu cầu phát triển lâu dài.
Việc xác định vị trí của trung tâm hành chính – chính trị sau khi sáp nhập các tỉnh không chỉ là một quyết định hành chính mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển kinh tế – xã hội và đời sống người dân. Cần phải cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố liên quan, từ vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, giá trị lịch sử văn hóa cho đến quy hoạch tổng thể để đảm bảo sự phát triển bền vững và đồng bộ cho cả vùng.